Nợ bảo hiểm xã hội
Ở Hà Nội thì chắc chắn không ai không biết cầu Thăng Long. Tuy nhiên, đố các bác: Đơn vị nào xây dựng cầu Thăng Long? Chịu chưa? Chịu thì em trả lời luôn. Đó là Tổng công ty Thăng Long, một ông lớn ngành xây dựng thành Thăng Long.
Tổng công ty Thăng Long - CTCP tiền thân là Xí nghiệp Liên hợp Cầu Thăng Long được thành lập vào ngày 06/07/1973 với nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng cầu Thăng Long (1973-1985) - cây cầu lớn nhất thời bấy giờ.
Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực Xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp; cung cấp dịch vụ cho thuê nhà kho, văn phòng, nhà xưởng; Sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng.
Chỉ cần nói đến đây là các bác biết mức độ hoành tráng của Tổng công ty Thăng Long là như thế nào? Không thể phủ nhận được đúng không? 100 điểm không có chữ nhưng. Vâng, em không dùng chữ nhưng, em dùng từ song được không?
Xét về thành tựu, Tổng công ty Thăng Long đúng là ông lớn thật song giờ thì hên xui nhá, mà xui nhiều hơn hên. Ông lớn gì mà nợ thuế, nợ bảo hiểm. Nợ thuế thì còn… châm chước được vì dù sao cũng là… “cha chung”. Còn nợ bảo hiểm xã hội thì căng nha, vì những cán bộ công nhân viên của Tổng công ty Thăng Long bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đọc báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Tổng công ty Thăng Long thì em nhận ra nhiều vấn đề. Nhưng vấn đề em quan tâm nhất chính là tại ngày 30/9/2023, công ty có 9,7 tỷ đồng Phải trả người lao động. Trước đó, hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu này còn đạt đến 11,3 tỷ đồng. Đấy, Thăng Long liên tục nợ người lao động.
Nợ người lao động thì có nhiều loại: nợ lương, kinh phí công đoàn, bảo hiểm,… Đứng ở góc độ bản thân em, em sợ nợ bảo hiểm nhất vì nó ảnh hưởng đến chế độ sau này.
Thế mà Tổng công ty Thăng Long nợ bảo hiểm xã hội ạ. Con số phải nộp về bảo hiểm xã hội cuối quý 3/2023 là 1,6 tỷ đồng, hồi cuối năm 2022 là 2,1 tỷ đồng. Cuối năm 2022, Thăng Long còn có thêm 270 triệu đồng phải nộp về bảo hiểm thất nghiệp.
Lãi không bằng tiền gửi tiết kiệm nhưng tăng chi phí cho nhân viên quản lý
Tổng công ty Thăng Long nợ bảo hiểm xã hội trong bối cảnh doanh thu giảm sút, công ty thoát lỗ nhưng hiệu quả sử dụng vốn rất thấp, không bằng tiền gửi ngân hàng.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023 của Tổng công ty Thăng Long, trong kỳ, Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 11 tỷ đồng, tương đương 3,7% xuống 296 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng tăng từ 834 tỷ đồng lên 1.018 tỷ đồng.
Doanh thu quý 3 sụt giảm nhưng do tiết kiệm được chi phí nguyên vật liệu nên Tổng công ty Thăng Long ghi nhận Lợi nhuận gộp đạt 39,8 tỷ đồng dù cùng kỳ năm trước lỗ 7,7 tỷ đồng.
Kết quả là Lợi nhuận sau thuế quý 3/2023 của Thăng Long đạt 3,6 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 136 triệu đồng của quý 3/2022; lũy kế 9 tháng đầu năm lãi ròng tăng 8,2 tỷ đồng, tương đương 78,8% so với cùng kỳ năm trước lên 18,6 tỷ đồng.
Thế nhưng, trong kỳ, Tổng công ty Thăng Long lại chi 10,2 tỷ đồng cho Chi phí cho nhân viên quản lý trong bộ phận Quản lý doanh nghiệp, tăng 1,3 tỷ đồng, tương đương 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
“Đồng hành” cùng nợ bảo hiểm xã hội là nợ thuế. Cuối quý 3/2023, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long là 5,7 tỷ đồng. Trong đó, Thuế nhà đất, tiền thuê đất phải nộp chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 52,6% (tương đương 3 tỷ đồng). Đứng sau là Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp (1 tỷ đồng), Thuế Giá trị gia tăng đầu ra (850 triệu đồng),…
Trước đó, hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước tại Tổng công ty Thăng Long còn cao hơn, lên đến 9,4 tỷ đồng.