Nhiệm vụ bất khả thi
Phương Thảo, một gen Z sinh năm 2001, làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa đang rất áp lực đối với vấn đề tài chính của bản thân. Ra trường được hơn một năm, với thu nhập 10 triệu đồng/tháng, Thảo gần như không thể dư giả để tiết kiệm tiền cho các kế hoạch lớn của mình.
Phải mất hơn 20 năm, không ăn không tiêu, mới đủ tiền để mua một căn nhà giá rẻ. Đó là chưa kể trong khoảng thời gian đó giá nhà đã tăng thêm rất nhiều, vượt xa số tiền tiết kiệm được.
Minh Anh, 26 tuổi quê gốc ở Nam Định cùng chồng cũng đang chật vật với bài toán sở hữu nhà Hà Nội để gia đình có nơi an cư. Nhưng với giá nhà ngày càng tăng cao như hiện nay, việc mua nhà đang ngày càng xa tầm với.
Cách đây hai năm, gia đình Minh Anh dự tính mua một căn chung cư giá rẻ ở ngoại thành Hà Nội, với mức giá gần 2 tỷ đồng, nhưng do tiền tiết kiệm và hỗ trợ từ gia đình không đủ, nên quyết định không mua và chờ cơ hội tốt hơn, cũng như tiết kiệm được nhiều hơn.
Nghịch lý là, dù số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng đã được gần 2 tỷ đồng, nhưng hiện giá căn hộ định mua khi ấy đã lên gần 3 tỷ đồng. Các dự án quanh khu vực đều từ 3 - 5 tỷ đồng khiến Minh Anh "choáng váng".
Nỗi lo '3 không'
Thị trường nhà ở đang diễn ra một sự thay đổi lớn khi tỷ lệ sở hữu nhà ở của những người trẻ từ 25 - 34 tuổi đang chiếm tỷ trọng ngày càng cao.
Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng. Thế hệ Millennials và gen Z hiện chiếm tới 47% dân số cả nước, khoảng 45 triệu người và đang trở thành nhân tố chính đóng góp vào sự thay đổi của thị trường nhà ở trong tương lai.
Tuy nhiên, thế hệ này cũng đang gặp khó khăn do giá nhà cao.
Việc giá nhà tại các thành phố lớn không ngừng tăng mạnh khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại về một giới trẻ "ba không": không mua nhà, không kết hôn, không sinh con. Thực tế này đã và đang xảy ra tại các nước có giá nhà ở cao như Trung Quốc, Hàn Quốc...
Giá bất động sản tăng nhanh trong khi thu nhập không tăng tương ứng, khó tiếp cận với nhà ở, khiến một bộ phận không nhỏ gen Z mất động lực phấn đấu mua nhà.
Thay vì chịu áp lực để nhận lương cao hơn, họ chọn những công việc mang lại niềm vui, bởi họ biết rằng, dù có cố gắng cũng khó theo kịp giá nhà, hoặc họ đã có sẵn nhà từ cha mẹ để lại.
Không còn tâm lý phải mua nhà bằng được, nhiều gen Z lựa chọn thuê nhà. Đối với thế hệ Z, với đặc trưng lối sống năng động, hiện đại, “gu” lựa chọn nhà ở của thế hệ này rất khác biệt. Gen Z chú trọng hơn vào phong cách sống, môi trường sống, hệ thống tiện ích nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.
Khác với các thế hệ trước ưa thích ở nhà mặt đất, giới trẻ hiện nay ngày càng chuộng sống ở chung cư hơn. Họ cũng không bắt buộc phải sống trong trung tâm mà sẵn sàng chuyển đến các đại đô thị ven trung tâm thành phố nếu giá cả phải chăng hơn với hạ tầng, tiện ích... đa dạng, hiện đại hơn.
Nguồn: Theleader