Bảo hiểm Xã hội TP.Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng người lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 3/2024 (số liệu tính đến hết ngày 31/3/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/4/2024).
Theo đó, có tổng số 33.574 doanh nghiệp trên địa bàn thủ đô chậm đóng các loại bảo hiểm từ 1 tháng trở lên. Doanh nghiệp nợ nhiều nhất hơn 57 tỷ đồng; doanh nghiệp nợ ít nhất với số tiền hơn 1 triệu đồng.
Đáng chú ý, nhiều "ông lớn" trong lĩnh vực bất động sản nợ bảo hiểm (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp lao động).
Tổng Công ty MBLand (tầng 4, Tháp A tòa nhà Kangnam, Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) với số tháng nợ là 2 tháng và số tiền nợ là hơn 387 triệu đồng.

Nguồn: BHXH TP.Hà Nội
Công ty Sông Đà 6 (Văn Khê, Hà Đông) nợ 44 tháng, với số tiền 20 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Erowindow (số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa), nợ 6 tháng, số tiền 19 tỷ đồng; Tập đoàn FLC (Cầu Giấy) nợ 21 tháng, tổng số tiền 8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vina 2 (Kim Văn, Kim Lũ, Hoàng Mai) nợ 19 tháng, số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Tiếp đến là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cảng và hạ tầng Việt Nam (nhà 1206, tòa 17T2 Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội) nợ 102 tháng, số tiền nợ 4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị hạ tầng Vinaconex (Tòa nhà Charmvit, 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) nợ 14 tháng, số tiền 4 tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư xây dựng Constrexim (tầng 2, CT13 dự án Hồng Hà Ecocity, Tứ Hiệp) nợ 34 tháng, số tiền 3 tỷ đồng.
Ngoài lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực khác nợ bảo hiểm với thời gian và số tiền lớn như: Công ty Cổ phần LILAMA 3 (số 86, đường Tân Xuân, P Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm) nợ 110 tháng, số tiền 44 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bê tông xây dựng Hà Nội (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm) nợ 106 tháng, số tền 14 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Công nghiệp xây dựng Toàn Phát (tầng 3, tòa 101 Láng Hạ, Đống Đa) nợ 152 tháng, số tiền 13 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Lắp máy điện nước - Licogi (số 1, ngõ 489 đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, HN) nợ 104 tháng, số tiền 11 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Lắp máy điện nước và XD2 (số 1, ngõ 199, đường Hồ Tùng Mậu, Nam Từ Liêm) nợ 128 tháng, 11 tỷ đồng. Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác...
Theo quy định của pháp luật, nếu chậm đóng BHXH, doanh nghiệp sẽ vi phạm vào một trong những điều cấm tại khoản 3 Điều 17 Luật BHXH năm 2014. Khi đó, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo khoản 3 Điều 122 Luật này như sau:
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Mức xử phạt đối với trường hợp trốn đóng BHXH
Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH, BHTN hoặc có các hành vi vi phạm khác liên quan đến việc đóng BHXH, BHTN sẽ bị xử phạt hành chính, nặng hơn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo Bộ luật Hình sự 2015, người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia sẽ bị xử phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động và trả lại số tiền đã trốn đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Danh sách chi tiết tham khảo Tại Đây