Mua BĐS đang thế chấp ngân hàng không - Cơ hội và rủi ro?
Cơ hội: Giống như mọi loại mặt hàng đều có ưu và nhược, sản phẩm BĐS đang thế chấp ngân hàng cũng vậy. Ở đây, ưu điểm nổi bật của BĐS thế chấp tại ngân hàng thường có giá bán rẻ hơn so với giá bán trên thị trường. Thêm vào đó, người mua sẽ có thể yên tâm về pháp lý do BĐS được thế chấp tại ngân hàng. Những BĐS này thường "nét" về pháp lý. Tức là không vướng quy hoạch hay thu hồi hoặc đang tranh chấp - bởi ngân hàng đã phải thẩm định rất chắc chắn trước đó thì mới cho vay.
Rủi ro: Tuy nhiên mua sản phẩm BĐS đang thế chấp tại ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một ví dụ tiêu biểu là những BĐS đó đang bị xử lý theo quy định pháp luật do bên vay không trả được lãi cho ngân hàng. Bên cạnh đó, việc mua căn hộ đang cầm cố ở ngân hàng sẽ khiến cho người mua không xem được cụ thể giấy tờ gốc của ngôi nhà đó và sẽ rất dễ gặp rủi ro trong giao dịch.
Thêm nữa là thủ tục sang tên cũng mất thời gian hơn do có sự tham gia của bên thứ 3 là ngân hàng.
Những lưu ý khi mua BĐS đang thế chấp ngân hàng
Xác định những rủi ro khi mua BĐS đang thế chấp ngân hàng, giờ là lúc tìm cách xử lý chúng. Người mua nhà khi mua những sản phẩm BĐS đang được thế chấp tại ngân hàng cần đặc biệt chú ý những lưu ý sau để tránh "ôm trái đắng":
- Mỗi ngân hàng có thủ tục bán nhà thế chấp khác nhau, vì vậy để đảm bảo mọi chuyện diễn ra thuận lợi hơn bạn có thể liên hệ ngân hàng để hỏi rõ hay thẩm định thủ tục để có phương án phù hợp nhất.
- Tuyệt đối không được giao tiền cho bên mua dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có sự đồng ý của ngân hàng nhận thế chấp tài sản đó.
Theo khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015, bên thế chấp có quyền: được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
- Kiểm tra cẩn thận các thông tin bao gồm người đứng tên ngôi nhà, đứng tên cả vợ chồng hay đồng sở hữu nhiều người vì nhiều người sẽ phức tạp và có thể xảy ra tranh chấp.
- Để thêm phần chắc chắn thì người mua nhà cứ yêu cầu bản photo sổ đỏ từ bên bán và mang tới cơ quan cấp giấy chứng nhận để xác thực.
- Nếu ngân hàng đồng ý để bên thế chấp bán nhà đất thì người mua nhà ký hợp đồng đặt cọc mua nhà thế chấp ngân hàng với bên bán để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà đất.
Các bước mua nhà thế chấp ngân hàng
Việc mua bán tài sản đang thế chấp tại ngân hàng cần có sự đồng ý của ngân hàng và tiến hành dưới một vài cách như sau:
Thứ nhất: Bên bán đặt cọc số tiền cho bên mua, số tiền đặt cọc bằng số tiền mà bên bán đang thiếu, đủ để giải chấp tài sản bất động sản đó tại ngân hàng. Khi giải chấp xong, cầm được sổ thì 2 bên tiến hành công chứng mua bán, giao dịch bình thường.
Lưu ý hợp đồng đặt cọc cần công chứng.
Thứ 2: Bên mua nộp vào ngân hàng số tiền đúng bằng số tiền bên bán đang nợ ngân hàng. Ngân hàng sẽ đứng ra bảo lãnh và phong tỏa khoản tiền đó. Ngân hàng sẽ cùng 2 bên đi công chứng hợp đồng mua bán, khi công chứng xong thì khoản tiền bên mua nộp vào sẽ được xóa phong tỏa và ngân hàng coi số tiền đó là số tiền giải chấp tài sản.
Thứ 3: Bên bán thay thế tài sản thế chấp bằng tài sản khác có giá trị tương đương và giải chấp căn nhà cần bán, lấy sổ ra và đi công chứng mua bán bình thường.
Khi đã lấy được sổ ra ngoài, 2 bên tiến hành giao dịch mua bán với 1 số bước cụ thể như sau:
- Công chứng HĐMB và giao tiền
- Nộp toàn bộ hồ sơ lên phòng 1 cửa quận, huyện hoặc sở tài nguyên môi trường tỉnh, thành phố
- Nhận giấy hẹn đến ngày đến nộp thuế và lấy sổ tên chủ mới
Thời gian hẹn khoảng 2 tuần làm việc. Lưu ý bên mua và bên bán cần chuẩn bị trước đầy đủ mọi hồ sơ cá nhân như chứng minh thư, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân (Giấy ĐK kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân).
Hi vọng qua những thông tin trên sẽ giúp người mua nhà hiểu thêm quy trình và những lưu ý quan trọng khi mua BĐS thế chấp ngân hàng ! Nếu hay xin 1 like, share !