Trước thực trạng giá nhà tăng chóng mặt trong thời gian vừa qua, người mua nhà trở nên bức xúc, tự thành lập nên những hội nhóm, cộng đồng kêu gọi, hô hào "dừng mua nhà chống ngáo giá" với con số thành viên tăng nhanh theo từng ngày. Tại đây, cộng đồng mạng đã cùng nhau chia sẻ những thông tin về sự biến động của các căn hộ chung cư, các căn nhà đơn lẻ được rao bán với mức giá như thế nào.
Bàn luận về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, đây là một hành động tự phát, mang tính nhỏ lẻ chứ chưa thể trở thành một thế lực để áp đặt chủ đầu tư phải giảm giá bán trong bối cảnh thị trường luôn trong tình trạng thiếu hàng.
Ông Đính đưa ra quan điểm, giải pháp vẫn phải đến từ hệ thống Nhà nước, công tác điều hành vĩ mô thúc đẩy làm tăng các dự án bất động sản sớm ra hàng. Giải tỏa được nguồn cung, đưa nguồn cung tiệm cận với nguồn cầu thì giá cả trên thị trường mới có thể được cân bằng, nhất là các phân khúc, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của đại đa số người dân.
Được biết, mới đây, theo báo cáo thị trường căn hộ quý 3/2024 của Savills vừa công bố, giá chung cư Hà Nội lại tiếp tục thiết lập mặt bằng giá mới, tiến sát 70 triệu đồng/m2, mức tăng 6% theo quý và 28% theo năm. Giá sơ cấp tăng cao cũng kéo giá bán chung cư cũ tăng với mức 10% theo quý và 41% theo năm, lên 51 triệu đồng/m2.
Mức giá tăng cao nhưng số căn bán được đạt hơn 6.840 căn trong quý 3, tăng 35% theo quý và 226% theo năm. Căn hộ trung cấp dẫn đầu, đóng góp 98% lượng giao dịch.
Cũng theo Savills, trong 9 tháng đầu năm, căn hộ có giá trên 4 tỷ đồng chiếm 70% số căn được giao dịch, tăng mạnh từ mức 2% năm 2020. Còn căn hộ từ 2-4 tỷ đồng chiếm 29% thị phần và chỉ 1% số căn hộ có giá dưới 2 tỷ đồng.
Giá nhà liên tục tăng cao, ông Đính nhận xét điều này là tín hiệu không tích cực đối với thị trường bất động sản hiện nay, bởi trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vẫn còn khá khó khăn và thu nhập của người dân thì chưa được cải thiện.
Giá nhà đang tăng rất nhanh và nhanh hơn nhiều so với thu nhập bình quân của người lao động. Đó sẽ là một rào cản, trở ngại rất lớn đối với những gia đình trẻ, những người có nhu cầu mua bất động sản để sử dụng ở thực, ông Đính nhấn mạnh.
"Tôi cho rằng, vấn đề lớn nhất vẫn nằm ở nguồn cung còn hạn chế, chưa có nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở, đặc biệt những dự án thuộc phân khúc bình dân, nhà ở xã hội. Mặc dù, thời gian qua Nhà nước cũng đã có những chủ trương rất mạnh cho vấn đề này tuy nhiên các địa phương, như tại Hà Nội vẫn chưa có nhiều cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó, Luật đã được ban hành nhưng vẫn cần có độ ngấm để đi vào cuộc sống, cho nên thị trường cũng chưa thể phục hồi ngay được", vị chuyên gia cho hay.
Đặc biệt, khác với một số các quốc gia như Trung Quốc hiện đang dư cung, thừa nhà ở, thì tại nước ta lại gặp vấn đề thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Như vậy, chúng ta chỉ cần giải bài toán là tăng cung, đảm bảo cung phù hợp với nhu cầu người dân, thỏa mãn được điều này thì sẽ cân bằng được thị trường.
Nhật Anh/Nhịp sống thị trường