Sống trong thấp thỏm, lo âu
Người dân ở chung cư Cao ốc Xanh cho biết, năm 2016, những cư dân đầu tiên chuyển vào ở lô C chung cư Cao ốc Xanh (số 144 Nam Hòa, phường Phước Long A) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 8 làm chủ đầu tư. Đến nay, tại lô C và lô A của khu chung cư có gần 300 hộ dân sinh sống với khoảng 1.000 người. Sau 8 năm sinh sống ổn định, cuối tháng 4-2024, cư dân nhận được thông báo chung cư bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy. Cùng với quyết định đình chỉ hoạt động, cơ quan chức năng đã áp dụng các biện pháp hành chính nhằm đưa người dân ra khỏi chung cư, khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn, tâm trạng luôn thấp thỏm lo lắng.
Nỗi lo in đậm trên nét mặt, chị Lê Thị Tâm (căn hộ số 103, lô A) nói rằng, quyết định đình chỉ hoạt động chung cư quá bất ngờ làm gia đình trở tay không kịp. Con nhỏ đến tuổi vào nhà trẻ nhưng không thể đăng ký tạm trú để làm thủ tục xin chỗ học. Cảnh sát khu vực trả lời: “Chung cư đã bị đình chỉ hoạt động nên không xác nhận tạm trú, tạm vắng”. Chồng chị Tâm cho hay, từ ngày có thông báo đình chỉ hoạt động chung cư, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, con cái không được đi học, giá nước sinh hoạt cũng cao hơn. Sau dịch Covid-19, cuộc sống nhiều gia đình vốn đã khó khăn nay càng khó hơn.
Không khí lo lắng càng tăng khi một số gia đình, sinh viên thuê nhà đã hủy hợp đồng thuê để chuyển đi nơi khác. Đang chờ mấy người bạn đến giúp chuyển nhà, anh Nguyễn Văn Hòa chia sẻ, khi biết chung cư không đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy thì ai cũng lo. Ở chỗ nào cũng phải trả tiền thuê nhà, thế nên anh Hòa cùng các bạn quyết định chuyển đi nơi khác để đảm bảo an toàn.
Trong khi người thuê nhà có thể chuyển đi tìm chỗ ở mới, thì những người mua căn hộ phải bám trụ, sống trong cảnh lo âu bởi không biết nếu hỏa hoạn xảy ra thì lấy gì mà dập lửa, trong khi nguy cơ cháy rất cao. Mới đây, bà Đinh Thị Chiến, Trưởng Ban quản trị chung cư, đã làm văn bản gửi chủ đầu tư và chính quyền địa phương, cảnh báo hệ thống phòng cháy, chữa cháy của chung cư lắp đặt chưa hoàn thiện, đã xuống cấp. Gần đây, chuông báo cháy giả thường xảy ra, không những gây bất an cho cư dân mà còn rất nguy hiểm nếu cháy thật xảy ra. Các thiết bị, dụng cụ chữa cháy đã lắp đặt thì bị gỉ, hư hỏng nên không thể sử dụng ở mức bình thường.
Giải pháp “chữa cháy” tạm thời
“Cơ quan công an không làm nghiêm ngay từ đầu, mà lại đình chỉ hoạt động chung cư khi hàng trăm gia đình đã sinh sống ổn định là đẩy cái khó về phía người dân cũng như ban quản lý chung cư”, ông Vũ Đại Dương, Trưởng Ban quản lý chung cư, bày tỏ. Cư dân khó rời chung cư vì không có chỗ tạm cư, nhưng ở lại thì không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Theo Ban quản lý chung cư, hệ thống phòng chống cháy chưa hoàn thiện, số đã lắp đặt thì bị hỏng hóc, nhưng cư dân muốn sửa chữa để sử dụng khi có hỏa hoạn xảy ra thì lại gặp trở ngại do chủ đầu tư chưa bàn giao. Ban quản lý đã gửi văn bản yêu cầu chủ đầu tư ủy quyền cho phép được sửa chữa, sử dụng hệ thống phòng chống cháy khi có yêu cầu nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phước Long A (TP Thủ Đức), thừa nhận: hệ thống phòng chống cháy của chung cư chưa được nghiệm thu. Cư dân sinh sống trong chung cư sẽ không đảm bảo an toàn, nhưng đưa họ ra khỏi chung cư thì không thể thực hiện được. Giải pháp “chữa cháy” hiện nay là chính quyền địa phương tổ chức tập huấn về kiến thức và diễn tập phòng chống cháy cho cư dân để phòng ngừa, chủ động dập lửa trước khi lực lượng chức năng đến xử lý.
Quyết định đình chỉ hoạt động các chung cư, trường học, nhà xưởng… khi không đảm bảo an toàn phòng chống cháy của Công an TP Thủ Đức là cần thiết. Tuy nhiên, cùng với việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy cho người dân, Công an TP Thủ Đức cũng như chính quyền địa phương cần quan tâm đến đời sống, sinh hoạt của hàng trăm gia đình phải bám trụ ở lại chung cư. Trước mắt, đừng để các cháu nhỏ, học sinh không đủ điều kiện đến trường vì thiếu giấy xác nhận nơi cư trú.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng