Thời gian gần đây, lợi dụng quy luật tăng giá hiển nhiên của đất đai với vai trò là một yếu tố sản xuất cơ bản, cùng với việc điều chỉnh bảng giá đất mới, nhất là thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng “FOMO” - sợ bị đứng ngoài cuộc, kích thích nhu cầu mua bất động sản (BĐS).
Theo ghi nhận, tại một số địa phương có kế hoạch sáp nhập vào các tỉnh, thành phố lớn có mặt bằng giá đất cao hơn hoặc dự kiến là trung tâm hành chính mới sau sáp nhập, giá đất không ngừng nhảy múa, thậm chí thiết lập “đỉnh” mới của năm 2022.
Theo đó, các khu vực đang được “săn lùng” có mặt bằng giá còn thấp tại các tỉnh, thành vùng ven Hà Nội, như tuyến huyện/xã tại Ninh Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương,...
Ở miền Nam, các khu vực có dòng vốn hạ tầng lớn, như Bình Thạnh, Long An, Bình Dương cũng đang ghi nhận làn sóng giao dịch tăng trở lại.
Thực tế cho thấy phần lớn đợt tăng giá đều đến từ nhóm đầu cơ đồn thổi, dùng chiêu trò mua đi bán lại để thu hút nhà đầu tư mới và hướng đến mục đích lướt sóng kiếm lời. Bởi lẽ, kể cả khi có sự thay đổi về mặt hành chính liên quan đến quyết định sáp nhập, thì cũng chưa chắc chắn sẽ kéo theo sự phát triển vượt trội tại các khu vực, ít nhất là trong ngắn hạn, đặc biệt là trong bối cảnh giá BĐS đang bị đẩy lên cao so với thu nhập của phần đông người dân trong thời gian vừa qua.
Việc đưa ra quyết định vội vàng ở thời điểm này có thể khiến nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro, mắc vào "bẫy" do các nhóm đầu cơ tạo nên, dẫn đến việc chôn vốn, không đủ lực "trụ" đến khi giá bất động sản thật sự tăng.