Một báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) mới đây đã chỉ ra, khả năng chi trả nhà ở của người Việt đang giảm mạnh trong vài năm qua, đến mức nhóm dân số có thu nhập cao nhất tại Việt Nam (nhóm 5, chiếm 20% dân số) theo phân loại của Tổng cục Thống kê, cũng không thể mua nhà, nếu xét theo quy tắc giá nhà không vượt quá một phần ba thu nhập.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, nhóm lao động có thu nhập bình quân hàng tháng cao nhất xếp theo khu vực là Bình Dương (18,4 triệu đồng), Hà Nội (14,5 triệu đồng), Đồng Nai (13,9 triệu đồng), Đà Nẵng (13,8 triệu đồng) và TP HCM (13,3 triệu đồng).
Đây là nhóm được kỳ vọng có khả năng sở hữu nhà ở mà không cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế, khi đối diện với bài toán sở hữu nhà ở tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM, ngay cả nhóm này cũng gặp không ít trở ngại.
Hội Môi giới đưa ra một kết quả tính toán như sau:
Nếu một hộ gia đình tại Hà Nội có 2 lao động chính đều thuộc nhóm 5. Tổng thu nhập bình quân sẽ tầm 30 triệu đồng mỗi tháng (tương đương 360 triệu đồng mỗi năm). Áp dụng quy tắc chi phí mua nhà ở không vượt quá một phần ba thu nhập, tối đa mỗi tháng gia đình này chỉ bỏ ra được 6,7 triệu đồng để mua nhà (tương đương 80 triệu đồng).
Mà hiện nay giá bán chung cư tại Hà Nội và TP HCM từ 40-70 triệu đồng mỗi m2, xét trên mức trung bình 58 triệu đồng mỗi m2, một căn hộ 60 m2 sẽ có giá 3,5 tỷ đồng. Nếu vay ngân hàng 70% giá trị căn nhà (2,4 tỷ đồng) lãi suất 8% trong 20 năm, chi phí trả góp hàng tháng sẽ vào khoảng 25-27 triệu đồng (tương ứng 300 triệu đồng mỗi năm), vượt xa mức chi trả tối đa tính trên thu nhập và gần như không thể mua nhà.
Nếu nhóm có thu nhập cao nhất cả nước còn gặp khó khăn thì các nhóm thu nhập thấp hơn gần như không có cơ hội.
Nguồn: Vnexpress