Bài học từ câu chuyện thôn tính của Coca Cola
Coca Cola Việt Nam đã trở thành một thương hiệu lớn tại Việt Nam, lớn và nổi tiếng tới mức từ già đến trẻ, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi ra hải đảo...ai cũng biết Coca Cola. Trước đây 20 năm khi bắt đầu vào Việt Nam mấy ai đã biết đến Coca Cola và càng ít người biết nó đã thâu tóm, nuốt chửng, làm biến mất những thương hiệu Việt nổi tiếng một thời như Công ty Nông nghiệp và Thực phẩm ở Miền bắc (Vinafimex); Công ty Nước giải khát Đà Nằng ở miền trung như thế nào chỉ trong vòng có 6 năm.
Lỗ ngay trong quá trình chuẩn bị đầu tư và xây dựng nhà máy. Bằng thủ đoạn khai khống giá trị đầu tư thường từ 1 tới 2 lần: từ máy móc, trang thiết bị nhập khẩu, tư vấn đầu tư, chuyên gia lắp đặt, phầm mềm hoạt động... tới thương hiệu toàn cầu....vv Phía đối tác nước ngoài đã thắng ngay trong keo đầu, kiếm một “mớ” lớn trong khi phía lãnh đạo, công đoàn liên doanh Việt Nam vẫn còn u mê, hào hứng với những chuyến công du thăm thú nước ngoài do liên doanh bố trí, hỉ hả với vài cái phong bì lót tay nho nhỏ mà không mảy may, không hề nghĩ mình đang bị lừa, ai đó lên tiếng liền bị chỉ trích “ghen ăn tức ở”, “gắp lửa bỏ tay người”, ai lại làm thế họ hoành tráng thế, to lớn thế kia mà !
Lỗ ngắn- lãi dài
Lỗ trong kinh doanh là điều không ai muốn, nhưng đối với Coca Cola là một chiến lược đầy toan tính. Trước hết qua các hợp đồng hợp tác với các đối tác người ngoài (“người nhà” của Coca Cola Việt Nam) cung cấp nguyên vật liệu, các hợp đồng tư vấn tài chính, cung cấp chuyên gia, tư vấn chiến lược sản phẩm, tư vấn phát triển thị trường....ông chủ ở nước ngoài kiếm vài chục triệu USD/hợp đồng và tất cả đều tính vào chi phí hoạt động của liên doanh.
Nhằm cắm rễ, phát triển lâu dài, công ty tập trung cho hoạt động phát triển thị trường, quảng cáo, tài trợ biển bảng, tủ, nhân viên promotor.... đồng thời tập trung đầu tư đào tạo cho đội ngũ nhân sự cao cấp, tuyển dụng và đạo tạo nhưng người có năng lực và cam kết phục vụ lâu dài.....
Thôn tính.
Tất cả các hoạt động nêu trên làm cho liên doanh lỗ triền miên, lỗ lâu dài, lỗ không thể ngóc đầu dậy được, đổi lại ông chủ của đối tác nước ngoài vẫn lãi lớn, tiếng tăm và thương hiệu ngày càng phát triển..... Phía đối tác Việt Nam không những không thu được lợi nhuận, mà vì không có tiền bù lỗ, cực chẳng đã mới phải khấu trừ phần vốn góp của mình để bù lỗ theo tỷ lệ góp vốn. Cuối cùng, chịu không thấu đã phải “bán như cho” phần vốn góp còn lại cho phía đối tác nước ngoài.
Condotel, liệu có hay không nguy cơ Nhà đầu tư bị Chủ đầu tư thôn tính ?
Người đầu tư Condotel trước nguy cơ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi khi kịch bản thôn tính diễn ra. Ảnh minh họa
Trước hết, như đã phân tích ở các bài trong chuỗi 3 bài “ condotel cuộc chiến giữa 2 Nhà” vừa rồi, có thể thấy mối quan hệ cộng sinh giữa 2 Nhà là cần, phải và buộc có nhau; với cam kết Nhà đầu tư giao căn hộ và Chủ đầu tư đứng ra vận hành quản lý và với tính lỏng về pháp lý của loại hình “ căn hộ dịch vụ không hình thành đơn vị ở” này có thể nói Nhà đầu tư đã lâm vào thế vô cùng khó khăn và việc có bị thôn tính hay không dường như phụ thuộc hoàn toàn vào “ lòng tốt” của Chủ đầu tư mà thôi.
Đầu tiên, Chủ đầu tư sẽ thuê các thương hiệu quản lý khách sạn nổi tiếng như Marriott, interContinental, Hilton, Wyndham, Accor, Best Western .... hoặc đơn vị quản lý chuyên nghiệp khác. Lý do thuê là hoàn toàn chính đáng đó là đảm bảo tiêu chuẩn dịch vụ luôn ổn định, qua đó khách sạn có sức cạnh tranh.
Nhà đầu tư chịu chi phí tiền mua thương hiệu, thuê đơn vị quản lý bao gồm cả đội ngũ nhân sự người nước ngoài của họ. Thoạt nghe có vẻ vô lý, nhưng sự thật vì Chủ đầu tư chỉ “ thay mặt” Nhà đầu tư thuê đơn vị quản lý vận hành khách sạn, như vậy bản chất là Nhà đầu tư là người trả tiền. Đây là khoản chi thường xuyên rất lớn, thường thì đối với một thị trường mới nổi đơn vị quản lý lấy một khoản cố định (ví dụ 100.000 USD/năm) và một tỷ lệ % ăn theo doanh thu (vì dụ 5-7% doanh thu), phía thuê chịu toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại của đội ngũ quản lý cao cấp người nước ngoài khoảng 5-8 người tùy qui mô và dịch vụ của khách sạn từ Tổng giám đốc các các giám đốc bộ phận: buồng, bàn, ăn uống, tiệc, marketing, ....các chi phí này được tính là chi phí operation được hoạch toán đúng, đủ vào hoạt động của khách sạn.
Chi phí Marketing, bán hàng. Là khoản chỉ phí lớn thứ hai. Để thu hút khách, khách sạn chi lớn cho các hoạt động quảng cáo, xây dựng thương hiệu, tham gia các hệ thống đặt phòng toàn cầu, chiết khấu cao cho các hãng du lịch, tổ chức sự kiện....Mặc dù chi phí marketing được hạch toán lỗ-lãi hàng năm nhưng kết quả của hoạt động marking lại mang tính dài hạn vì thương hiệu tốt, niềm tin khách hàng sẽ lôi kéo khách hàng quay lại hoặc giới thiệu cho khách hàng khác....
Đào tạo đội ngũ trưởng các bộ phận người địa phương sẽ là chiến lược thứ 3 được các Chủ đầu tư áp dụng, vì rằng thời gian vừa học, vừa làm để có một người thạo nghề du lịch mất 3-5 năm, vì vậy đội ngũ này sẽ đảm bảo khách sạn giữ được thương hiệu, chất lượng dịch vụ sau khi không thuê các trưởng bộ phận người nước ngoài nữa.
Cuối cùng là chuyển giá, thông qua những nhà cung cấp “cánh hẩu” các công ty du lịch; các đơn vị cung cấp trang thiết bị, vận dụng thay thế; giá thành thành sẽ được nâng lên....
Kinh doanh lỗ lãi là chuyện bình thường, lý do biện minh cho việc lỗ cũng thật đơn giản vì nguồn cung khách sạn lớn; lượng khách ít, hoạt động khách sạn phụ thuộc theo mùa và theo thỏa thuận lỗ thì phải bù tiền để đảo bảo hoạt động bình thường, duy tu bảo dưỡng căn hộ....bán khó khăn, tự khai thác không được, để thì lỗ, ở không được... sau vài năm chịu đựng chắc nhiều người tặc lưỡi bán cho nhẹ đầu.
Việc Nhà đầu tư kiểm tra, giám sát hay kiểm soát hoạt động của khách sạn dường như không thể. Xin lưu ý kể từ khi vào Việt Nam năm 1992, Coca Cola lỗ 20 năm liên tục, thậm chí theo sổ sách, tính đến 31/12/2012, lỗ lũy kế của Coca Cola Việt Nam lên tới 3.768 tỷ đồng vượt cả tổng số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng. Ấy vậy mà năm 2014 Coca Cola Việt Nam lại mở rộng đầu tư thêm 210 triệu USD. Chính phủ chỉ đạo, cơ quan thuế điều tra mà không đủ bằng chứng chứng minh họ chuyển giá, cố tình làm lỗ. Vậy làm toáng lên cho mất mặt, xin thưa Nhà đầu tư đã đi nước cờ này ngay tư đầu đó là khách sạn/condotel phải là một đơn vị độc lập, hoạt động tách hẳn với hoạt động của tập đoàn hay công ty. Như vậy lỡ có mang tiếng, lỗ triền miên, ....thì cổ phiếu không mấy bị ảnh hưởng.
Như vậy sau thời gian thực hiện “cam kết lợi nhuận” nếu muốn, Chủ đầu tư dễ dàng mua được căn hộ “với giá rẻ như cho” từ các Nhà đầu tư bằng cách “áp” bài của Coca Cola vào và kiên trì là xong. Nhà đầu tư như cá nằm trên thớt, vấn đề là dự án đó có đáng để Chủ đầu tư thôn tính không và lòng tốt của Chủ đầu tư có đủ lớn để chiến thắng sự cám dỗ của lợi ích hay không mà thôi ./.