Nhưng tôi coi điều trên KHÔNG đóng vai trò quyết định trong sự tồn vong của dòng BĐS này. Sự tồn vong của nó hoàn toàn phụ thuộc vào người cha đẻ - chính là các Chủ đầu tư (CĐT) chứ không phải người cấp giấy khai sinh - Nhà nước.
Như các bạn đã biết, Condotel và Biệt thự biển nở rộ bắt đầu từ năm 2014 - khi thị trường bắt đầu hồi phục. Số lượng khách du lịch tăng trưởng hàng năm khiến các cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ,...) kinh doanh thuận lợi, việc phát triển dòng BĐS nghỉ dưỡng được đánh giá là rất tiềm năng. Từ đó, các CĐT bắt đầu thi nhau tung ra thị trường loại đặc sản này. Nhưng do đây là một loại hình mới, việc tiếp cận và định hướng khách hàng rất khó khăn. Làm sao thuyết phục được một người mua bỏ tiền ra chỉ để kinh doanh một căn hộ 50 năm và không biết trước được hiệu quả thế nào, khả năng thu hồi vốn ra sao vì hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng khai thác của các CĐT. Và một vài CĐT lớn đã nghĩ ra việc biến sản phẩm BĐS thành một sản phẩm TÀI CHÍNH.
Trong đó, thông điệp mạnh nhất là cam kết lợi nhuận 10%/năm trong vòng 10 năm. Các năm sau chia sẻ LN với CĐT theo tỷ lệ khai thác thực tế (thường là 80/20 hoặc 85/15). Ngoài ra người mua còn được hưởng thêm một vài chính sách như một năm được 15 đêm nghỉ, ưu đãi khi sử dụng tiện ích,... đó là những chính sách rất thông minh. Rồi dần dần, trend (xu thế) này trở thành định nghĩa cho Condotel. CĐT nào không cam kết lợi nhuận sẽ không thể bán được hàng. Người mua có cảm giác như chẳng làm gì nhưng sau 10 năm là thu hồi vốn, lại còn được hưởng nguyên 1 căn Condotel để tiếp tục khai thác cho thuê. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khai thác phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ lấp đầy và giá phòng. Thường thì các CĐT chỉ thu về lợi nhuận cỡ 5%-6% trên tổng giá trị căn hộ. Vậy có nghĩa là nếu cam kết với khách hàng 10%/năm thì họ phải bù ra mỗi năm từ 4%-5%. Vậy sau 10 năm thì tổng số tiền phải bù ra có khi lên tới 50% giá trị căn Condotel. Tôi nghĩ rằng, bằng kỹ thuật của mình thì các CĐT đã rất khéo léo khi tăng giá bán lên để lấy thu bù chi. Từ đó, giá các căn Condotel có thể bị tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi là chuyện bình thường. Nhưng khách hàng vẫn mua vì tin vào uy tín các CĐT và cam kết hấp dẫn.
Cho đến một ngày, người mua nhận thấy mình đang bỏ tiền chẵn ra để thu tiền lẻ về. Và đặc biệt gần đây, một vài CĐT đã không thực hiện đúng cam kết, thậm chí không thanh toán đúng hạn. Lòng tin bị đánh cắp, sự nghi ngại len lỏi vào ánh mắt các khách hàng. Và Condotel tàn lụi từ đó. Từ cuối 2018 thị trường đã không thể tiêu thụ loại hình này. Các dự án mới ra đời không còn được thành công như trước nữa.
Vậy mới nói, nếu cha mẹ sinh con ra thì nên dậy dỗ, bồi dưỡng con cái để trở thành người có uy tín, có ích cho xã hội. Như vậy chắc chắn được xã hội ủng hộ và đón nhận. Còn giấy khai sinh là để đứa con có nguồn gốc và được thừa nhận như bao loại hình khác mà thôi.
Theo tôi, đã đến thời điểm các Chủ đầu tư nên “trả lại tên cho em”. Trả Condotel về với giá trị thực của nó, đừng tăng giá, đừng cam kết gì nữa. Hãy tập trung vào khai thác quần thể nghỉ dưỡng của mình thật hiệu quả. Qua đó gia tăng lợi nhuận cho khách hàng. Đây là một loại hình sản phẩm hay, đừng để nó chết yểu khi chưa kịp khai sinh như vậy!
Thế giới luôn thay đổi và bất chợt thay đổi đòi hỏi chúng ta cần ứng phó với các tình huống phát sinh. Hy vọng với “Giấy khai sinh” mới, Condotel sẽ được nuôi nấng dậy dỗ tốt từ các CĐT để em nó được một lần nữa tỏa sáng, chứ không bị khai tử như tiêu đề bài viết này!