Hạ Long, Sầm Sơn... đâu cũng nợ
Trong các ngày 12/5, 25/5, nhiều chủ đầu tư tại dự án FLC Hạ Long đã mang băng rôn, khẩu hiệu đến trước trụ sở của Tập đoàn FLC để yêu cầu thanh toán tiền thuê nhà và lợi nhuận theo hợp đồng đã ký kết giữa Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển FLC Hạ Long (FLC Hạ Long) – công ty con của Tập đoàn FLC và các chủ đầu tư.
Theo đó, từ khi đi vào hoạt động từ cuối năm 2018 đến nay, FLC liên tục không thanh toán, hoặc thanh toán chậm tiền thuê nhà và lợi tức của khách hàng mua căn hộ. Trong đợt 1 năm 2019, đáng ra thời gian thanh toán phải trước 30/6 thì có chủ đầu tư đến tháng 11/2019 mới nhận được tiền. FLC cũng không chịu lãi phạt chậm trả cho khách hàng vay ngân hàng. Thậm chí, tiền trả đợt 2 năm 2019 của FLC Hạ Long đến nay vẫn chưa đến tay các chủ đầu tư, dù theo hợp đồng, khoản tiền này phải thanh toán xong trước 31/12/2019.
Tháng 2/2020, FLC Hạ Long có email gửi đến các chủ đầu tư cho biết FLC sẽ chậm thanh toán tiền thuê nhà trên do tập đoàn đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Email này cũng cam kết tất các các khoản trên sẽ được thanh toán hết trước ngày 30/4/2019. Nhưng sau 30/4, FLC cũng chưa thanh toán cho chủ đầu tư.
Điều này khiến các chủ đầu tư bức xúc nên đã kéo đến vây trụ sở của FLC và cho rằng việc FLC vin vào dịch Covid-19 là không thuyết phục. Bởi lẽ, tiền thuê nhà này là từ tháng 6 - 12/2019, thời gian trước khi dịch Covid-19 diễn ra, do đó không thể mượn cớ dịch bệnh để chậm trả cho chủ đầu tư.
Vụ việc của FLC Hạ Long chưa lắng xuống thì vào ngày 26/5, các chủ đầu tư thứ cấp của dự án FLC Sầm Sơn tiếp tục kéo đến trụ sở FLC cũng để yêu cầu FLC thanh toán tiền thuê căn hộ và trả lãi suất như hợp đồng đã ký.
“Tôi đầu tư vào FLC Sầm Sơn 3 năm nay, nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp làm việc với FLC. Những lần trước, vào tận FLC Sầm Sơn cũng không được tiếp. Việc chậm trả tiền thuê chúng tôi cũng không nhận được bất kỳ email hay thông báo gì từ phía tập đoàn” - ông Nguyễn Hoàng Giang, thư ký ban đại diện các chủ đầu tư thứ cấp của dự án FLC Sầm Sơn nói.
Còn theo bà Tạ Thị Hạnh, một đại diện của các chủ đầu tư thứ cấp, dịch Covid-19 xảy ra năm 2020, nhưng FLC thì đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán từ năm 2019. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2020, các chủ đầu tư sẵn sàng đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp do dịch, chấp nhận chậm thanh toán hoặc giảm lãi, nhưng số tiền trong năm 2019 thì FLC cần thanh toán đủ.
Chưa kể, hợp đồng ghi lãi suất có thể lên tới 12 – 16%/năm, nhưng thực tế các chủ đầu tư chỉ nhận về lãi suất chưa đến 8,5%/năm, thấp hơn so với ngân hàng và không còn được nhận tiền đúng kỳ hạn.
Bà Hạnh gay gắt: “Hóa ra chúng tôi lấy tiền ra để nuôi FLC hoạt động?! Luật pháp Việt Nam hiện nay về quản lý Condotel đang lỏng lẻo, nên FLC đang lợi dụng sự lỏng lẻo này để chèn ép khách hàng!”. Tại buổi làm việc này, có nhiều chủ đầu tư mong muốn được thanh lý căn hộ do không chịu được việc chậm trả lãi của FLC.
Thế kẹt
Tại buổi làm việc ngày 26/5, trả lời những kiến nghị của các chủ đầu tư, bà Trần Thị Hương - Giám đốc FLC Homes - cho biết, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Hiện FLC đang trong quá trình tái cơ cấu lại các danh mục đầu tư, cân đối lại các khoản chi để có thể có tiền trả lãi cho các chủ đầu tư trong thời gian sớm nhất.
Về thời gian thanh toán, cách thức thanh toán, thì FLC sẽ phản hồi khách hàng bằng văn bản trước ngày 30/5. Thực tế hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, tình hình tài chính của FLC đang rất ảm đạm, nếu không nói là xấu. Dịch Covid-19 tàn phá nhiều nhất ở trong mảng du lịch – dịch vụ - những mảng đầu tư chiến lược của FLC trong vài năm trở lại đây.
Thực tế đúng như lời bà Hương. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020 của FLC, tiền mặt của tập đoàn chỉ còn 35 tỷ đồng, giảm 20 tỷ đồng so với đầu quý. Các khoản tương đương tiền sụt giảm mạnh từ 578 tỷ đồng xuống còn 13 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả của FLC tăng mạnh từ 20.367 tỷ lên 23.781 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn, lên tới 18.753 tỷ đồng. Thiếu hụt nguồn tiền nghiêm trọng cùng áp lực trả nợ khiến FLC khó có thể cân bằng tài chính thậm chí có thể kéo dài trong cả năm 2020.
Xử lý rủi ro này, đại diện FLC đề xuất thanh toán tiền thuê căn hộ condotel bằng các loại thẻ ưu đãi nghỉ dưỡng, hàng không... là một trong những biện pháp thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của FLC sau dịch. Cụ thể, các chủ đầu tư nhận thẻ có thể mua bán, giao dịch. Tức là tăng thêm kênh bán hàng cho tập đoàn. Việc bán lại các loại thẻ này còn giúp FLC thu hút được khách hàng đến với các quần thể nghỉ dưỡng, giúp doanh thu hồi phục tốt hơn. Đồng nghĩa với gia tăng khả năng trả nợ cho các chủ đầu tư thứ cấp của tập đoàn.
Trái với sự bức xúc của các khách hàng, thái độ của lãnh đạo FLC là khá nhẫn nại. Thực tế, khoảng cách trong lùm xùm giữa khách hàng với FLC là có thể thu hẹp. Trong khi khách hàng bức xúc vì bị chậm trả tiền thuê nhà và lợi tức, thậm chí không ít người muốn bán lại căn hộ, thì cũng có không ít khách hàng chấp nhận "cho nợ" tiền thuê nhà, lợi tức để giúp FLC đang trong khủng hoảng.
Điều đó có nghĩa, "chìa khóa" yên lòng nhà đầu tư thứ cấp của FLC trước tiên cần đến từ nỗ lực thuyết phục và sự cầu thị kịp thời của chính những chủ nhân tập đoàn này. Những bức xúc của các chủ đầu tư thứ cấp tập trung vào hai điểm chậm thanh toán và chậm thông tin thanh toán. Thì áp lực bức xúc ấy cũng có thể giảm bớt nếu các thông tin về khó khăn của FLC được cập nhật nhanh hơn, và chân thành hơn.
Thứ nữa, hợp đồng thuê căn hộ của FLC với các khách hàng là hợp đồng kinh tế, và trong giai đoạn rõ ràng khả năng thanh toán của FLC đang căng thẳng, chính các khách hàng cũng không mong muốn lựa chọn giải pháp khởi kiện để bị kéo dài thời gian thanh toán trong kiện tụng. Nói cách khác, là chính FLC lại cần đóng vai trò "người nhà" của khách hàng trong đàm phán với ngân hàng để khoanh, hoãn, giãn tiến độ trả nợ gốc, lãi cho người mua nhà. Sau đó là sự công khai về lộ trình cụ thể đối với việc thanh toán tiền thuê và lợi tức cho khách hàng. Rõ ràng là, ngân hàng cũng không mong muốn FLC lâm vào khủng hoảng, khiến các khoản tài trợ đối diện với nguy cơ nợ xấu. Sự kết nối giữa 3 bên trong giải quyết khủng hoảng là điều tốt nhất FLC có thể làm ở thời điểm này, trong khi nỗ lực khôi phục kinh doanh, chờ doanh thu hồi phục
Rõ ràng, khó khăn, rủi ro là điều doanh nghiệp nào cũng gặp phải trong quá trình hoạt động. Nhưng xử lý rủi ro thế nào mới làm nên danh tiếng của doanh nghiệp, và sau đó là lợi ích của doanh nghiệp. Uy tín và danh tiếng của FLC chỉ tốt khi tập đoàn này kết nối tốt với đối tác của mình, trong số đối tác ấy, khách hàng đóng vai trò quan trọng hơn ngân hàng.