Ngày 20/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới.
Tình hình cháy nổ tại Hà Nội thời gian gần đây diễn biến phức tạp. Đặc biệt, vụ cháy xảy ra đối với chung cư mini tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, gây hậu quả, thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Thành ủy Hà Nội cho rằng nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về phòng cháy được đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu. Quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực chưa coi trọng đến công tác phòng cháy.
"Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có lúc, có nơi còn buông lỏng, yếu kém, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách. Công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa nghiêm, nhiều nơi làm qua loa, chiếu lệ" - chỉ thị nêu.
Trước thực tế trên, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo quán triệt quan điểm trong công tác phòng cháy, cứu nạn. Cụ thể, xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết. An toàn cháy, nổ là điều kiện tiên quyết để Hà Nội phát triển về mọi mặt.
Việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, hội viên, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị đối với nhiệm vụ phòng cháy.
Ngoài ra, Thành ủy Hà Nội yêu cầu triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế các vụ cháy, nổ, nhất là ở các khu vực có nguy cơ cháy, đặc biệt các khu dân cư, hộ gia đình, chung cư, nhà cao tầng, karaoke, vũ trường...
"Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình" - chỉ thị nêu rõ trách nhiệm.
Các hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy buộc phải được xử lý nghiêm theo quy định và bắt buộc các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy phải khắc phục mới được hoạt động.
Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ và tuân thủ theo quy định pháp luật trên nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm công tác thẩm định, cấp phép xây dựng, quản lý xây dựng, đô thị theo đúng quy định; xử lý nghiêm các công trình và các cá nhân, thập thể buông lỏng quản lý, cấp phép xây dựng không phép, trái phép (trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, sử dụng đất sai mục đích) và các công trình vi phạm về trật tự xây dựng, công trình chưa được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu về phòng cháy theo quy định nhưng đã đưa vào hoạt động.
Cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân nào không làm tốt công tác quản lý, cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy theo chức năng, nhiệm vụ được giao, để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản nghiêm trọng thì thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quản lý và cá nhân đó phải chịu trách nhiệm trước Ban thường vụ Thành ủy và trước pháp luật.
Theo Phụ nữ Việt Nam