Mới đây Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố tiếp tục đấu giá khoản nợ tại Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên với nợ gần 5.721 tỷ.
Tổng dư nợ trên đã bao gồm dư nợ gốc 2.506 tỷ và dư nợ lãi, phí phát sinh 3.215 tỷ đến thời điểm cuối tháng 7.
Với khoản nợ này thì BIDV đưa ra mức giá khởi điểm đấu giá là 4.419 tỷ, được biết mức này đã giảm khoảng 1.300 tỷ so với lần đấu giá đầu tiên, cách đây hơn 3 tháng.
Thông tin về khối tài sản bảo đảm cho khoản nợ gồm quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Kenton Node và quyền khai thác mỏ đá tại xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Dự án Kenton Node này đình trệ bao nhiêu lâu có địa chỉ tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM.
Không những BIDV, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) cũng đã thông báo chào bán khoản nợ phát sinh giữa MSB và Công ty Tài nguyên. Hiện tại, theo thông tin thì tổng dư nợ tạm tính đến ngày 6/11 là hơn 1.141 tỷ. Với khoản nợ gốc hơn 296 tỷ và còn dư nợ lãi và lãi phạt hơn 845 tỷ. Mức giá chào bán mà MSB đưa ra bằng giá trị khoản nợ của doanh nghiệp này.
Đáng chú ý, khoản nợ này có tài sản bảo đảm cũng là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Thêm vào đó, tài sản đảm bảo còn có 11,3 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Xây dựng sản xuất thương mại Hà Tây và 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất thuộc dự án Kenton Node, đều thế chấp riêng cho MSB.
Được biết, hợp đồng thế chấp được ký giữa Công ty Tài Nguyên và các ngân hàng MSB, BIDV và PVCombank, do BIDV làm đầu mối quản lý tài sản.
Theo cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên - chủ dự án Kenton Node được thành lập tháng 3/1996, trụ sở chính đặt tại 10 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Tài Nguyên là ông Vũ Anh Tâm.
Thời gian qua công ty đã có nhiều lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Ở lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 4/2022, công ty có vốn điều lệ 1.950 tỷ đồng do 2 cổ đông góp vốn là Công ty cổ phần phát triển BĐS tài Nguyên góp 1.946,5 tỷ đồng, tương đương 99,82% vốn góp và cổ đông Hoàng Văn Luân góp 3,5 tỷ đồng, tương đương 0,18% vốn góp. Ở lần thay đổi này, ông Vũ Anh Tâm sinh năm 1959 giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện theo pháp luật.
Trong khi đó, Công ty cổ phần phát triển BĐS Tài Nguyên có tiền thân là công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh BĐS Gia Quý thành lập tháng 7/2016 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng gồm 3 cổ đông góp vốn là Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia góp 60 tỷ đồng, tương đương 30% vốn góp; cổ đông Lâm Quý góp 80 tỷ đồng, tương đương 40% vốn góp và cổ đông Võ Văn Lộc góp 30 tỷ đồng, tương đương 30% vốn góp. Trong ngày đầu thành lập, ông Lâm Quý, sinh năm 1965 giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật.
Ở lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp gần nhất vào cuối tháng 1/2019, Công ty cổ phần phát triển BĐS Tài Nguyên tăng mạnh vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 1.646,5 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp của các cổ đông không được tiết lộ. Ông Lâm Quý vẫn giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Đến lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp vào tháng 2/2022, ông Vũ Anh Tâm được bổ nhiệm giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Về phía Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia, cổ đông lớn của Công ty cổ phần phát triển BĐS tài Nguyên được thành lập tháng 2/2001. Ở lần thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp gần nhất vào tháng 11/2024, Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia có vốn điều lệ 225 tỷ đồng do 4 cá nhân góp vốn.
Trong đó, cổ đông Cao Hoàng Lân góp 2,25 tỷ đồng, tương đương 1% vốn góp, cổ đông Lâm Quý góp 33,75 tỷ đồng tương đương 15% vốn góp, cổ đông Võ Văn Lộc góp 166,5 tỷ đồng tương đương 74% vốn góp và cổ đông Võ Trí Cường góp 22,5 tỷ dồng, tương đương 10% vốn góp. Ông Lâm Quý giữ vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.
Ngoài Kenton, Tài Nguyên còn có các công trình ghi dấu như:
- Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân.
- Cao ốc văn phòng Vinatex – Tài Nguyên.
- Dự án Evergreen.
- Thành phố Global – Hà Tây.
- Công trình Đại lộ Hồ Chí Minh.
Còn về dự án Kenton Node, khởi công từ năm 2009 nhưng “đắp chiếu” gần 10 năm nay nằm ngay tại cửa ngõ phía Nam TP.HCM. Chuyển biến mới nhất vào đầu năm 2022, Tập đoàn Novaland và Công ty Tài Nguyên tái khởi động dự án Kenton Node, đổi tên thành Grand Sentosa. Tuy nhiên, đến nay cả Novaland cùng Tài Nguyên đều lao đao trên thương trường.