Không phải vì không cố gắng – mà vì lương hơn 20 triệu mỗi tháng, trừ chi phí thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt xong thì… chỉ còn lại vài triệu “phòng thân”. Số tiền đó, tích cả năm cũng chưa bằng 1m² chung cư giờ đây.
Khổ cái, lương trên 20 triệu thì không được mua nhà ở xã hội, còn để mua căn hộ thương mại thì lại… quá sức tưởng tượng.
Một căn hộ 2PN 70m² ở TP.Thủ Đức bây giờ có giá 5 – 7 tỷ. Vay ngân hàng 70%, mỗi tháng phải trả gần 40 triệu. Gấp đôi lương Sơn. Đó là chưa kể tiền ăn, tiền sống, tiền gửi mẹ, tiền làm răng…
Sơn cười buồn: “Nhiều lúc cũng muốn yêu ai đó, ổn định, cưới xin… Nhưng cứ nghĩ tới cái nhà là tự động tắt cảm xúc. Đầu còn chưa lo nổi, ai mà dám rủ thêm một người khác khổ chung?”
Nghe cay đắng quá, nhưng thực tế đấy chứ không phải kịch bản drama truyền hình đâu.
Và Sơn không cô đơn. Hàng ngàn người trẻ ở thành phố này cũng đang mắc kẹt giữa một bên là thu nhập thật và một bên là giá nhà ảo tung chảo.
Giá vẫn đang tăng – đều đều, bất chấp thanh khoản, bất chấp sức mua. Tăng không phải vì nhu cầu ở thực, mà vì kỳ vọng, vì tin đồn, vì “khu này sắp có vành đai”, “khu kia sắp lên quận”…
Vậy là người trẻ – những người cần nhà để an cư, lập nghiệp – bị loại khỏi cuộc chơi. Mà không có chỗ ở ổn định thì lấy gì mà tính chuyện tương lai?
Giá nhà leo thang, kéo theo cả một thế hệ trì hoãn yêu đương, kết hôn, sinh con. Người ta ngại yêu vì… lỡ yêu rồi không cưới được thì đau. Cưới rồi không nhà thì cãi nhau. Mua nhà thì nợ ngập đầu. Thôi, để đó tính sau.
Nguồn: Nhịp sống thị trường