Cuộc chạy đua tới bến này bắt đầu từ doanh nghiệp đến môi giới, cò đất, trung gian rồi đến nhà đầu tư thứ cấp. Người người, nhà nhà tham gia vào chạy marathon và tin vào những cam kết lợi nhuận “khủng” của các doanh nghiệp bất động sản. Họ đầu tư và tin rằng sẽ hái ra tiền, và bán lại với giá còn cao hơn nữa. Ai cũng nghĩ mình không phải là người ôm quả bóng cuối cùng và cứ thế lao vào như con thiêu thân, bất chấp những cam kết pháp lý rất lỏng lẻo, rủi ro cao.
Cũng như Bitcoin, Condotel - một loại hình bất động sản đang được đẩy lên thành cơn sốt của bất động sản nghỉ dưỡng ven biển. Condotel được quảng bá như là một ngôi nhà ở thứ 2. Đại loại, chúng ta đem tiền đi mua một căn hộ dạng khách sạn ven biển và được doanh nghiệp cam kết với mức lãi suất hàng năm.
Cái cam kết này mới muôn hình vạn trạng làm sao. Các “ông lớn” bất động sản biển giờ cũng giống như các nhà băng trong giai đoạn khát vốn, cam kết lãi suất không khác gì đa cấp, có khi còn cao hơn.
Chẳng hạn, một dự án bất động sản của doanh nghiệp hơi bị có tiếng ở Quy Nhơn cam kết lợi nhuận mỗi năm tới gần 33% với đủ thứ lợi đơn lợi kép. Theo như quảng cáo thì chỉ cần bỏ 540 triệu đồng là người mua có thể sở hữu một Condotel có giá 1,5 tỷ đồng (ngân hàng hỗ trợ 60% vốn với lãi suất 0%). Mỗi năm ta được nhận về 140 triệu đồng tiền thuê theo cam kết, và 54 triệu đồng từ 15 đêm nghỉ dưỡng miễn phí. Tổng doanh thu là 194 triệu đồng/năm. Kinh khủng. He he.
Hay nhiều dự án khác còn cam kết lợi nhuận 12-15%/năm, gấp đôi so với mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng như hiện nay. Thực tế với những lời đường mật, cam kết lãi suất như mơ trên, Condotel đã tạo ra một cơn sốt, nhà nhà người người đổ tiền mua. Nhưng thực sự nếu ngon vậy thì cả nước vay tiền ngân hàng đầu tư Condotel hết cả rồi.
Một chuyên gia kinh tế uy tín trong một buổi hội thảo đã nói thẳng là “Các anh cứ nói nhiều về du lịch để đẩy bất động sản ven biển lên nhưng thực tế chưa thấy doanh nghiệp địa ốc nào sống được bằng du lịch biển, hầu hết vẫn trông chờ, quảng bá để bán bất động sản thu lời là chính”. Cái này thấy chuẩn, nếu du lịch tiềm năng thế, lãi suất tốt thế cần gì bán bất động sản, cứ để đó mà cho thuê, tiền đẻ ra tiền, rồi lấy tiền đó mà đi đầu tư tiếp.
Tại sao các doanh nghiệp bất động sản phải ráo riết cam kết mức lợi nhuận cao ngất cho các loại hình condotel, biệt thự…phải chăng họ đang khát vốn điên cuồng? Mục đích cuối cùng là đẩy được hàng, thu tiền về. Đây chính là biểu hiện của một nguy cơ bong bóng bất động sản biển, khi cung vượt quá cầu. Các chủ đầu tư buộc phải làm mọi cách để đẩy hàng đi. Và ai là người ôm quả bóng cuối cùng sẽ chịu rủi ro nhất.
Theo thống kê, hiện nay có tới 80.000 Condotel đã và đang hoạt động, giai đoạn 2017 - 2019 dự kiến mỗi năm sẽ có 27.000 - 29.000 căn condotel được bung ra thị trường. Giá mỗi căn được rao bán khoảng 1 -3 tỷ đồng, ngang với căn hộ cao cấp tại Hà Nội, Tp. HCM.
Những nơi khách du lịch đông đúc như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng thì không nói làm gì chứ mấy nơi xa xôi, hẻo lánh vắng tanh cũng cam kết lãi suất 12% trả bằng USD thì cũng chịu.
Công ty cổ phần Bất động sản Danh Khôi Á Châu (DKRA) trong một thống kê từ năm 2017 cho biết, tỷ lệ tiêu thụ condotel chỉ đạt 7%/tổng số căn chào bán. 6 tháng đầu năm 2017, chỉ có 382 căn được bán trong khi lượng chào bán, và nguồn cung sơ cấp lên tới hàng chục nghìn Condotel.
Thực tế, bong bóng Condotel đang có nguy cơ vỡ bởi làn sóng đầu tư lớn song tiêu thụ không theo kịp. Nguyên nhân lớn nhất là do người dùng lo ngại các cam kết pháp lý lỏng lẻo của loại hình này và những bê bối xảy ra gần đây như vụ Bavico Nha Trang. Chi tiền tỷ để mua Condotel, nhận được lãi suất một năm sau đó bị quỵt hết, giám đốc thì bị bắt vì chứa chấp mại dâm tại khách sạn.
Theo Luật đất đai, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm, tại những vùng khó khăn thì không quá 70 năm. Do đó, các Condotel rao bán hiện nay hầu hết không có Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất lâu dài. Nếu chẳng may doanh nghiệp bất động sản phá sản hay xảy ra bê bối gì thì ai sẽ đảm bảo quyền lợi cho người mua căn hộ đây? Lúc đó vác đơn đi kiện thì chủ đầu tư bất động sản có khi ôm tiền chạy sang Mỹ, Âu ...
Tác giả: BachHue