Một vài thiển ý dưới đây xin được chia sẻ với các nhà đầu tư cá nhân, những người khoác áo “nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” nhập và chinh phục “sới” TPDN vốn đầy dãy sự mập mờ và khó lường.
Không đối đầu pháp lý. Nghiên cứu kỹ các qui định cầm cân nảy mực, điều chỉnh mối quan hệ giữa Doanh nghiệp và trái chủ của Nghị định 163/2018, dường như “thiên vị” doanh nghiệp. Từ quy định tiêu chuẩn, điều kiện phát hành, sử dụng... cho tới quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên tham gia đều nghiêng theo hướng tự làm, tự chịu....Hơn nữa, Nghị định cũng quy định: đối tượng tham gia tối đa là 100 nhà đầu tư ( ý là nhà đầu tư cho tổ chức) không kể các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Các nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn TPDN (điều 5); các điều kiện và điều khoản của TPDN ( điều 6); điều kiện và qui trình phát hành ( điều 10 và điều 12)...hết sức cởi mở và thông thoáng theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm. Đối với các nhà đầu tư tổ chức có phòng nọ ban kia, có nguồn và có khả năng kiểm định thông tin.. trong khi đó nhà đầu tư cá nhân có hiểu biết về doanh nghiệp, về thị trường còn hạn chế, đơn phương độc mã nên nếu có tranh chấp xảy ra phần thiệt nghiêng về các trái chủ cá nhân nhiều hơn- vậy nên hãy nghiên cứu kỹ và hãy coi đây là một nguyên tắc cần tuân thủ khi đầu tư TPDN
Không vội tin các thông tin trên cáo bạch, phương án phát hành của doanh nghiệp. Trong đó, nhiều thông tin DN cung cấp chỉ vì bắt buộc, như mục đích phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ...vv không có và cũng không bắt buộc phải có cơ quan kiểm định thông tin. Các nguồn thông tin khác không đầy đủ, rải rác hoặc thiếu trung thực.... vì không ai “vạch áo cho người xem lưng” và hơn nữa không phải nhà đầu tư cá nhân nào cũng có khả năng phân tính báo cáo tài chính, đánh giá sức khỏe .....tiếc rằng số liệu và danh sách 12,5% doanh nghiệp phát hành lượng trái phiếu gấp hơn 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó có 11 doanh nghiệp só giá trị TPDN phát hành cao gấp 50 lần vốn chủ sở hữu khi đến tay nhà đầu tư ( nếu có) là lúc đã quá muộn, tiền của trái chủ cũng không biết đã đi đâu, về đâu.
Cảnh giác với các “bảo lãnh”của ngân hàng/ công ty chứng khoán hay của công ty/ tập đoàn bố/mẹ/ông/bà vì rằng thực chất đây là “ bảo lãnh phát hành” của các đơn vị phát hành nghĩa là đảm bảo sẽ bán hết gói TPDN nếu không họ phải bỏ tiền ta ôm lại; “công ty/ tập đoàn mẹ bảo lãnh” cũng chỉ là “quạt chả” để bán hàng, kể cả trường hợp có ghi trong hợp đồng như vậy thì cũng không có hiệu lực vì có Trái chủ nào được ký hợp đồng bảo lãnh trực tiếp hay tay ba với đơn vị bảo lãnh; ngay cả trường hợp TPDN được bảo đảm bằng dự án, quyền sử đất .... thì cũng rất khó thực hiện vì cá nhân trái chủ với số tiền đầu tư chiếm tỷ lệ nhỏ/rất nhỏ so với giá trị cả dự án hay sổ đỏ nên chẳng thể nào “siết nợ” được. Nhiều trường hợp TSĐB là tài sản hình thành trong tương lai, là cổ phiếu ....là những loại tài sản có độ biến động cao, hay TSĐB đã là tài sản thế chấp của khoản vay khác... trong khi ngân hàng, công ty chứng khoán- đơn vị mà nhà đầu tư trực tiếp giao dịch cũng chỉ là nhà môi giới. Vậy nên, việc “bảo lãnh” hay “ đảm bảo” ( nếu có) về cơ bản chỉ để nhà đầu tư an tâm và mạnh dạn xuống tiền mà thôi, thực tế cũng sẽ không có ngân hàng hay công ty chứng khoán nào đưa ra những chứng từ về sự bảo lãnh như nhân viên tư vấn cam kết.
Trong điều kiện lãi suất TPDN đã đẩy lên quá cao như hiện nay, người mua không nên đặt ưu tiên vào lãi suất. Đặc biệt tránh xa những doanh nghiệp có khối lượng TPDN phát hành lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu 30-50 thâm chí 100 lần. Theo logic thông thường, không có doanh nghiệp nào trong điều kiện bình thường lại chi hơn tới 7-8% ( kể cả chi phí phát hành) so với vay từ ngân hàng để huy động vốn.
Những doanh nghiệp phát hành TPDN trong khi dòng tiền kinh doanh âm cũng là những rủi ro nhà đầu tư cần đề phòng. Tuy nhiên cần phân biệt và phân tích rõ tránh mất cơ hội. Chẳng hạn, với DN bị âm dòng tiền kinh doanh tạm thời, khối lượng TPDN không lớn so với vốn chủ sở hữu, kỳ hạn ngắn thì cơ bản là OK. Nếu tiềm lực tài chính của DN hạn hẹp trong khi kinh doanh âm dòng tiền mà khối lượng TP dự kiến phát hành lớn, kỳ hạn dài ...đặc biệt, trước đó đã phát hành nhiều gói TP thì tính rủi ro rất cao, khả năng trả nợ hoặc thực hiện cam kết với trái chủ thấp.
Sự nhanh nhạy của DN trong đa dạng hoá kỳ hạn: 3, 6, 12 tháng thay vì 3, 5 năm như trước đây ( kỳ hạn trung bình của TPDN giai đoạn 2017-2019 là 3,7 năm) mang lại lợi ích và sự hào hứng cho cả 2 bên. Doanh nghiệp có ngay khoản tiền có tính chất “ cấp cứu”để đảo nợ, thanh toán những khoản nợ trái phiếu/tín dụng đến hạn... nhà đầu tư tranh thủ nhanh nhạy, có thể đánh nhanh, rút nhanh, tối đa hoá vòng quay vốn.
Sự đa dạng hoá còn thể hiện ở mệnh giá trái phiếu, với những mệnh giá ít ai ngờ 5,10 triệu ...những tưởng doanh nghiệp sẽ khó khăn khi tìm kiếm cả tệp khách hàng, sao có thể giải quyết được gói TPDN có giá trị tới 1-2 nghìn tỷ đồng. Thực tế, ngược lại với sự vào cuộc mạnh mẽ của đội ngũ bán hàng của đơn vị phát hành ( ngân hàng, công ty chứng khoán, ) và đại lý, lãi suất cao chót vót là chất thơm có tính khuếch tán mạnh nhất thu hút số lượng nhà đầu tư tham gia mạnh mẽ . Năm 2019 chỉ chiếm 8,8 %, 4 tháng đầu năm 2020 đã có tới 26,8% khối lượng TPDN do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ (theo bà Phan Thị Thu Hiền- Vụ Trượng Vụ Tài chính, ngân hàng- Bộ Tài chính)
Một điều thú vị là TPDN mệnh giá càng nhỏ, kỳ hạn càng đa dạng... thì càng thu hút được nhiều người tham gia thị trường, theo đó chất lượng đội ngũ nhà đầu tư (lấy quy định của Nghị định 163/2018 làm quy chuẩn) càng giảm. Dẫn dắt và lôi kéo thị trường lúc này chủ yếu là lãi suất, các yếu tố rủi ro bị đánh giá thấp hoặc bị bỏ qua, thị trường càng dễ “bốc đồng” đồng nghĩa càng dễ kiếm tiền đối với những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm, có khả năng bắt TREND và vào-ra hợp lý ./.
* Chia sẻ độc quyền của tác giả Nguyễn Đỗ Việt - Chuyên gia Tài chính - BĐS trên MXH NguoiMuaNha.vn
Xem các bài trước đó:
Bài 1: Trái phiếu doanh nghiệp, lãi cao sao vẫn lao vào?
Bài 2: Kịch bản nào cho thị trường Trái phiếu doanh nghiệp ?