Cụ thể, các khách hàng đã mua đất do Công ty cổ phần phát triển Hà Nam (chủ đầu tư) bán từ năm 2018 và gọi đó là “Dự án Khu Nhà ở Khu Công nghiệp Đồng Văn” (theo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất). Dự án có tên thương mại là “TNR Star Đồng Văn” (biển dự án).
Trên một số văn bản pháp lý có hiệu lực pháp luật, dự án này có tên là “Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở phục vụ Khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam” (văn bản về việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 do Bộ Xây dựng ban hành cuối tháng 11/2019). Cho đến thời điểm hiện nay, tên gọi chính thức của dự án và bản chất pháp lý kéo theo của các sản phẩm bất động sản ở đây vẫn là vấn đề chưa được làm rõ. Tuy vậy, tại đây, tạm gọi chung đối tượng được bàn tới là Dự án/Dự án TNR Star Đồng Văn/Dự án nhà ở KCN Đồng Văn. Dự án do Công ty TNR Holdings – Thành viên Tập đoàn TNG là đơn vị triển khai dự án.
Theo đó, các khách hàng liên tiếp tố chủ đầu tư “ lừa đảo”, bội tín, cùng nhau kêu gọi để đòi quyền lợi:
Chưa dừng lại ở đó, được biết mới đây, ngày 11/1, hàng trăm người dân mua nhà tại dự án TNR Stars Đồng Văn, Hà Nam đã kéo nhau lên "bủa vây" trụ sở Công ty CP Đầu tư và phát triển Bất động sản TNR Holdings Việt Nam (TNR Holdings) khiến đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội bị ách tắc khiến lực lượng công an phải can thiệp.
Theo thông tin trên Tạp chí giao thông giao thông, tất cả người dân đồng loạt mặc áo đỏ với dòng chữ "Tập đoàn TNR lừa đảo, chiếm dụng vốn", căng băng rôn, phát loa "tố" chủ đầu tư thất hứa, khiến cả đoạn đường từ ngã tư giao đường Nguyễn Chí Thanh - Đê La Thành xuôi xuống Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội ùn tắc cục bộ khiến lực lượng công an phải rất vất vả giải tán, vãn hồi trật tự.
Được biết, tất cả những người đang căng băng rôn trên đều là khách hàng đã ký hợp đồng đặt chỗ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại dự án TNR Stars Đồng Văn (Hà Nam). Sau khi ký hợp đồng, người dân đã đóng 95% giá trị. Thế nhưng, 2 năm (từ 2018 đến nay) vẫn chưa được giao đất và sổ đỏ để xây dựng.
Có thể nói, đây không phải là lần đầu tiên báo chí vào cuộc phản ánh những vấn đề tại TNR Star Đồng Văn. Trước đó, trên Sở hữu trí tuệ đã có bài viết “Điều gì ẩn sau băng rôn 'Tập đoàn TNR – Dự án Đồng Văn - lừa đảo dân cư'?” Trong đó nói lên rõ những dấu hiệu “lừa đảo” của chủ đầu tư tại dự án này.
Theo phản ánh trên Sở hữu trí tuệ, dự án TNR Star Đồng Văn có diện tích 46 ha bao gồm 66 lô biệt thự và 1570 lô liền kề có giá bán từ 7 - 12 triệu/m2 (Tổng giá trị từ 500 triệu - 2 tỷ đồng/lô). Theo một người dân tham gia căng băng rôn tại trụ sở TNR cho biết “Tổng số khách hàng đã “vướng” tại dự án này khoảng 1600 khách hàng, nếu tính trung bình mối khách hàng là 1 tỷ đồng, thì TNR đang chiếm dụng gần 2 nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 Công ty Hà Nam đã có các hoạt động đặt cọc, giữ chỗ với nhiều khách hàng. Tuy nhiên, theo Báo cáo số 28/BC-BQL ngày 16/11/2017 của Ban QLPT Khu đô thị mới thì Dự án vẫn chưa đủ điều kiện kinh doanh sản phẩm dự án mặc dù mới ở dạng đặt chỗ trên sàn giao dịch. Hay văn bản số 10/BQL-KTHT ngày 22/1/2018 của Ban QLPT Khu đô thị mới gửi UBND tỉnh Hà Nam và Sở Xây dựng cũng khẳng định: Dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh.
Như vậy, Công ty TNR đã “lách luật” để huy động vốn, chứ chưa đến mức là TNR "lừa đảo”, "chiếm dụng vốn" như nhiều khách hàng đang hô.
Mặt khác, tại điều 3 về Tiến độ, Phương thức thanh toán thì bên mua nhà phải thanh toán làm 3 lần, Lần 1 là 80% giá trị hợp đồng chuyển nhượng trong 10 ngày làm việc sau khi ký. Lần 2 là 15% tổng giá trị hợp đồng chuyển dự kiến là sau 30 ngày kể từ ngày ký hợp động. Lần 3 là 5% tổng giá trị hợp đồng vào ngày theo thông báo của Chủ đầu tư về việc bàn giao GCNQSDĐ.
Đáng lưu ý, nếu căn cứ theo câu chữ trong hợp đồng thì, đây chỉ là tiến độ đóng tiền mà Chủ đầu tư yêu cầu khách hàng thực hiện chứ không có tiến độ thực hiện dự án mà Chủ đầu tư phải đáp ứng đối với các khách hàng.
Điều khoản có tính then chốt, như một "thòng lọng" chính là thời điểm hoàn thành hợp đồng lại không được xác định về mặt thời gian. Đó là lần đóng tiền cuối 5%. Lần đóng tiền này, Chủ đầu tư ghi rất rõ vào ngày theo thông báo của Chủ đầu tư về việc bàn giao GCNQSDĐ. Như vậy, Chủ đầu tư không hề ấn định ngày cụ thể bàn giao GCNQSDĐ và đóng 5% còn lại, có nghĩa là hợp đồng chưa hề kết thúc. Và thời gian đó là theo ý của Chủ đầu tư, có thể là 1 tháng, 6 tháng hoặc 24 tháng, tùy theo tình hình thực tế dự án.
Như vậy, khách hàng hô rằng “TNR lừa đảo” liệu có “oan” cho TNR hay không? Phải chăng, vì quá quan tâm tới các điều khoản về bàn giao đất và bàn giao GCNQSDĐ (chiếm phần lớn nội dung hợp đồng) mà các “thượng đế” “hăng say” đóng tiền, quên mất rằng việc làm xong hạ tầng không đồng nghĩa với việc có sổ đỏ thửa đất để có thể cầm cố, thế chấp để bù đắp vào nguồn vốn đã đổ vào đây?
Từ những thông tin trên, các khách hàng hãy là “Nhà đầu tư thông thái” đọc thật kỹ hợp đồng, tìm hiểu kỹ về uy tín Chủ đầu tư trước khi ký vào các hợp đồng. Đừng để giống như người mua nhà tại Khu nhà ở Phục vụ KCN Đồng Văn lại phải truy hô “Tập đoàn TNR – Dự án Đồng Văn - lừa đảo dân cư”.