Một người dân khác -ông Nguyễn Tấn Bảo, cư dân chung cư Masteri Thảo Điền (quận 2, TPHCM), câu trả lời cho việc “Ai bảo vệ quyền lợi cư dân trong chung cư?” chính là “không có ai cả”.
Ông Bảo cho biết, cư dân chung cư đã nêu ra những sai phạm của ban quản trị (BQT) Masteri Thảo Điền về Quy chế hoạt động, Quy chế thu chi tài chính được quy định tại Thông tư 02/2016/TT-BXD nhưng không có cơ quan nào giải quyết.
Cụ thể, BQT này không công bố Quy chế hoạt động, Quy chế tài chính cho cư dân biết; không công bố báo cáo thu chi tài chính hàng tháng; không tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên trong 2 năm qua; sử dụng quỹ quản lý vận hành do cư dân đóng góp sai mục đích.
“Đặc biệt, BQT đã tự ý ra quy định một cách hết sức ngang ngược, rằng những trao đổi, hoạt động giữa BQT và Ban quản lý là những thông tin mật, không được phép công khai, thảo luận”, ông Bảo bức xúc.
Ông Bảo cho rằng “những sai phạm này rõ như ban ngày”, nhưng gần 1 năm qua, cư dân phản ánh nhiều nơi nhưng không được xử lý. Gần nhất vào tháng 12/2020, đại diện cư dân đã gửi đơn tố cáo các hành vi vi phạm này của BQT, đề nghị tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà ở. Cư dân đã gửi Thanh tra Sở Xây dựng nhưng đến nay không có trả lời.
“Chúng tôi gửi UBND quận 2 cũ, hồ sơ được Ban tiếp dân chuyển về UBND phường Thảo Điền giải quyết và sau cùng UBND phường Thảo Điền trả lời chúng tôi rằng không đủ thẩm quyền để xử lý. Ngày 26/2/2021 vừa qua, chúng tôi lần nữa đã có đơn tố cáo lần 2 gửi UBND TP Thủ Đức, đến nay cũng chưa có phản hồi", ông Bảo nêu.
Về việc bãi nhiệm BQT khi có sai phạm, ông Bảo cho biết lãnh đạo UBND phường Thảo Điền thừa nhận BQT có sai phạm, thiếu trách nhiệm và năng lực, nhưng cho rằng không có cơ sở để bãi nhiệm BQT theo nguyện vọng của cư dân. Cụ thể, dù BQT không tuân thủ, gây thiệt hại cho cư dân, nhưng muốn bãi nhiệm phải có đủ 50% chủ sở hữu căn hộ gửi đơn đề nghị tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường, thì chính quyền địa phương mới có cơ sở thực hiện.
Theo ông Bảo, quy định này là bất khả thi, “đưa cư dân vào ngõ cụt”. Bởi, phần lớn chủ sở hữu tại đây là đầu tư và cho thuê, không trực tiếp sinh sống nên không có thông tin. Ông chỉ ra, theo thống kê, có chưa đến 25% chủ sở hữu căn hộ tại Masteri Thảo Điền sinh sống tại đây, phần còn lại là khách thuê.
"Cư dân tại các chung cư chúng tôi chỉ mong muốn có một môi trường sống văn minh, tốt đẹp. Và những điều tốt đẹp chỉ có khi được xây dựng trên nền móng của sự tử tế, minh bạch, công bằng”, ông Bảo nói.
Về phía mình, bà Đỗ Thị Ngọc Oanh, chung cư The Central Garden (quận 1) cho biết không chỉ xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa dân cư và BQT hiện tại mà còn có thêm nhiều vấn đề liên quan đến chủ đầu tư cũ. Những mâu thuẫn xoay quanh 2 vấn đề chính là sự lộng quyền của ban quản trị và thiếu minh bạch về tài chính.
Không kiềm chế được cảm xúc, bà Oanh nghẹn ngào nói “tình trạng này đã trở thành nỗi đau dai dẳng của người dân kéo dài suốt 10 năm nay”.
Cụ thể, ban quản trị hoạt động chưa được bao lâu thì chia rẽ, mất đoàn kết nghiêm trọng. Nội bộ của ban quản trị chia thành 2 nhóm: một nhóm bảo vệ quyền lợi cư dân và một nhóm bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư cũ (được gọi là nhóm lợi ích). Nhóm lợi ích cấu kết với chủ đầu tư, được đơn vị này hậu thuẫn nên lộng quyền.
Theo lời bà Oanh, từ ngày thành lập 30/8/2018 đến nay, chưa bao giờ BQT chung cư The Central Garden tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên theo đúng quy định hay đối thoại với dân cư dù liên tục được yêu cầu.
Dù không họp dân cư nhưng trưởng ban quản trị tự ý mang danh cá nhân ký các văn bản gửi cơ quan chức năng, ký các hợp đồng trái pháp luật như hợp đồng bảo trì thang máy... mà không thông qua BQT. Dân cư nhiều lần gửi văn bản lên phường Cô Giang tố cáo nhưng không được giải quyết.
Đáng nói, khi cư dân liên tục yêu cầu tổ chức hội nghị nhà chung cư, BQT đã soạn dự thảo thay thế quy chế hoạt động của BQT, đưa ra quy định người tham dự phải đóng tiền ký quỹ trước cho BQT. Trong cuộc họp, cư dân chỉ được ngồi nghe, nếu phát biểu trái ý BQT sẽ bị phạt tiền và trừ vào tiền ký quỹ.
"Khi mua nhà chúng tôi là những khách hàng được yêu quý, khi đến ở thì chúng tôi lại bị bắt nạt”, bà Oanh bật khóc.
Nữ cư dân còn cho biết, BQT tự ý nâng giá bảo trì thang máy lên 40%, cấu kết với ban quản lý chủ đầu tư cũ thu tiền của dân lắp thẻ từ thang máy, chỉ đến khi có thông báo thu tiền cư dân mới biết. Mỗi căn hộ phải nộp hơn 1.254.000 đồng (tổng cộng 380 căn hộ là hơn 476 triệu đồng) và buộc phải mua thẻ từ, nếu không mua phải leo bộ. Mức giá này được cho là cao hơn thị trường gấp 4 lần.
Quá đáng hơn, bà Oanh chỉ ra phía chủ đầu tư cũ (Công ty Chương Dương) nói rằng họ bán nhà, còn hành lang, lối đi và khu vực chung là của chủ đầu tư nên họ tuỳ nghi sử dụng. Từ đó, họ biến khu đường chung trở thành bãi xe để thu lợi, khiến cư dân không còn lối đi.
"Họ quá lộng hành và chèn ép, bắt nạt chúng tôi. Pháp luật hiện hành có đủ cơ sở quy định cho BQT hoạt động hiệu quả nhưng các cấp chính quyền phải sát sao, lắng nghe dân cư hơn nữa", bà Oanh nhấn mạnh.
Theo: Công Luận