Từ lúc dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 đến nay, câu chuyện giảm giá thuê mặt bằng là tâm điểm của nhiều tranh luận.
Những mâu thuẫn lợi ích của chủ nhà - người thuê trọ, chủ mặt bằng - công ty bán lẻ... lần lượt được chia sẻ.
Hiện tại, vấn đề được chú ý là cuộc Tranh cãi chưa hồi kết khi Thế Giới Di Động muốn giảm giá thuê và cuộc đàm phán giữa công ty này và các chủ nhà đã kéo dài nhiều tháng.
Cụ thể, anh Trần Kỷ Mùi - chủ mặt bằng ở thị xã An Nhơn (Bình Định), nhận được công văn chấm dứt hợp đồng thuê trước hạn của Thế Giới Di Động (TGDĐ(. Công ty này nêu lý do "việc kinh doanh tại địa điểm này không hiệu quả về chi phí" nên chấm dứt hợp đồng theo các trường hợp bất khả kháng.
Trước đó, TGDĐ liên tiếp gửi 4 công văn, từ "đề nghị" đến "thông báo" với chủ nhà về việc giảm tiền thuê mặt bằng. Theo tính toán của công ty này, tổng số tiền giảm trừ khi cửa hàng đóng cửa và bán giản cách từ tháng 7 đến tháng 9 là gần 51 triệu đồng. Trừ thẳng vào tiền thuê 75 triệu đồng theo hợp đồng, anh Mùi nhận về hơn 24 triệu đồng còn lại trong kỳ thanh toán tháng 9 đến tháng 11.
Rất nhiều độc giả đã ý kiến xoay quanh vấn đề này. Bình luận của độc giả Duc Nguyen nhận được nhiều đồng tình nhất với hơn 1,1 nghìn lượt like nêu: "Ở đâu mà bên đi thuê mà gửi công văn cho bên cho thuê mà như yêu sách vậy. Tôi người ngoài cũng thấy bất bình với cung cách làm việc thiếu chuyên nghiệp của TGDĐ".
Tuy nhiên, ngay phía dưới bình luận này, độc giả có nickname nguyenvietql4 lại suy nghĩ khác:"TGDD đang là khách hàng, hợp đồng đúng là đã ký nhưng khách hàng họ cũng có quyền gởi yêu cầu (còn nữa, công ty thì làm việc theo công văn là đúng rồi chẳng lẽ nhắn tin?). Việc chia sẻ lợi nhuận và gánh nặng vì Covid-19 là việc nên làm với tất cả các bên.
Ngay lập tức, độc giả có nickname Khai Nguyen trả lời:"Thỏa thuận thì phải cử đại diện xuống mà trao đổi, gởi công văn là thông báo chứ không phải là thỏa thuận.
Chia sẻ lợi nhuân và gánh nặng là đúng, nhưng phải trên tinh thần hợp tác và thiện chí, công văn của TGDD có nghĩ gì tới gánh nặng bên thuê không, hay chỉ nghĩ tới mình?".
Một độc giả nhận định:
"Tôi làm việc ở tòa án, việc TGDĐ có việc làm như trên là hoàn toàn sai, cụ thể:
Tại Điều 481 BLDS 2015 quy định về việc trả tiền thuê như sau:
1. Bên thuê phải trả đủ tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận.
2. Trường hợp các bên thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nếu bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Căn cứ theo quy định nêu trên và nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng thì không có căn cứ nào để TGDĐ tự đơn phương không trả hoặc tự ý giảm số tiền thuê phải trả.
Ở đây TGDĐ có thể viện dẫn Điều 420 BLDS 2015 về việc hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi cơ bản. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 của Điều luật, hai bên cũng cần phải cùng ngồi lại thương thảo.
Nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt của BLDS kể từ khi đề nghị cho đến khi thực hiện xong HĐ là nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận, tức mọi chuyện cần có sự thương lượng, thống nhất, đôi bên hài hòa lợi ích.
Việc TGDĐ tự ý thực hiện HĐ theo ý chí chủ quan của mình mà chưa có sự thống nhất với bên còn lại, dù có cơ sở pháp lý cũng là không đúng về trình tự, thủ tục thực hiện."
Một số độc giả có cùng quan điểm trong lúc kinh doanh khó khăn vì giãn cách xã hội chống dịch, bên thuê có quyền yêu cầu được hỗ trợ giảm, miễn tiền nhưng không có quyền áp đặt chủ đất giảm 70-100% cho 3 tháng thuê nhà, và giảm thêm 50% cho 6 tháng thuê tiếp theo, và cho rằng đang có sự lệch pha về cách xử lý vấn đề của bên thuê và bên cho thuê trong trường hợp này.
Độc giả Tuan Bui Anh:
"Vấn đề ở đây là xử lý kém, nếu không có khi còn đạt được hơn cả kỳ vọng. Cá nhân tôi đây trước khi trao đổi với chủ nhà nội dung tương tự, với kỳ vọng là rất thấp, thì kết quả đạt được hơn mong chờ, vì cơ bản chủ nhà thừa hiểu được khó khăn của người thuê. Chỉ là, họ có giảm được hay không mà thôi, vì không phải ai cũng chủ động với khối tài sản đó".
Độc giả Anh Nghiem:
"Tôi thấy TGDĐ không tôn trọng chủ nhà rồi. Bây giờ tất cả các nhà cho công ty này thuê đòi lại mặt bằng cùng lúc thì sao nhỉ? Lúc khó khăn là bên đi thuê cũng phải thế nào khi đàm phán với chủ nhà chứ đứng này cửa trên rồi ép thì ai chịu? Tôi cũng là người đi thuê mặt bằng kinh doanh đây".
Ở một khía cạnh khác, một số độc giả lại kêu gọi hai bên nên ngồi lại với nhau đề tìm hướng xử lý ổn thoả. Độc giả có nickname netnam82: "Người cho thuê cần biết rõ là tình hình hiện tại rất khó khăn cho cả nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Thiên tai và dịch bệnh đều là trường hợp bất khả kháng theo quy định hiện hành. Các bên cần hợp tác để có được tiếng nói chung".
Trong khi đó, độc giả có nickname Mưa bụi 88 cho rằng cần giải quyết căn cứ vào hợp đồng đã ký kết: "Cá nhân tôi nghĩ, trước hết căn cứ vô hợp đồng đã ký có ghi các trường hợp bất khả kháng như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh hay không?
Nếu có thì hai bên có nghĩa vụ tuân theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký và theo quy định của luật thương mại về điều kiện bất khả kháng. Còn nếu trong hợp đồng không có nêu điều kiện bất khả kháng thì nhờ cơ quan thẩm quyền giải quyết. Tốt nhất là hai bên nên thương lượng giải pháp hợp lý nhất, thuận mua vừa bán".
Trước sự việc này, một độc giả gợi ý giải quyết theo "tinh thần 3 win":
"Tôi nghĩ, mọi người nên cùng hợp tác theo tinh thần 3 win: Chủ nhà win, người thuê win, người lao động win.
Chủ nhà win:
Thoả thuận với người thuê nhà, nhất là những người thuê lâu dài giúp chủ nhà có dòng tiền ổn định, nếu giờ người thuê nhà trả mặt bằng, chủ nhà sẽ mất tầm 6 tháng đến 12 tháng để tìm người thuê phù hợp, mất 1 tháng tiền môi giới và chi phí thuê mặt tiền hiện chỉ còn 50-60%.
Bài toán nằm ở đây: giả sử tiền thuê mặt bằng là 100 triệu đồng một tháng, nếu chủ nhà giảm hay miễn cho TGDD 3 tháng sẽ mất tương đương 300 triệu ( hoặc ít hơn) và vẫn thu được 100 triệu đồng một tháng theo hợp đồng cũ.
Nếu chủ nhà lấy lại mặt bằng và mất 6 tháng đến 1 năm mới cho thuê lại được và giá thuê mb hiện chỉ đạt 50% so với trước đây, vậy chủ nhà sẽ mất trung bình 600 triệu + 100 triệu tiền môi giới + tiền cho thuê sau đó cũng chỉ 50 triệu/ tháng.
Người thuê win:
Giữ được địa điểm kinh doanh, không mất phần đã đầu tư vào nội thất, khách hàng đã quen địa điểm.
Người lao động win:
Doanh nghiệp vẫn còn hoạt động, dù thoi thóp thì vẫn giữ được việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động, sau lưng họ là cả gia đình phải lo."
Hữu Nghị tổng hợp trên VnExpress