Từ một thành phố mang nhiều vết thương chiến tranh, Sài Gòn hôm nay là biểu tượng của sự thịnh vượng, năng động, và khát vọng vươn xa. Thị trường BĐS không chỉ dẫn đầu cả nước mà còn ghi dấu ấn trên bản đồ khu vực với những cái “nhất” đáng tự hào:
1. Nhu cầu nhà ở lớn nhất: Thành phố triệu giấc mơ nhập cư
Sài Gòn là thành phố của cơ hội, thu hút hàng triệu người dân nhập cư, với dân số hơn 9 triệu người (sau sáp nhập là 13 triệu), với diện tích trung bình/người 21.8m2 thì nhu cầu trong 5 năm sắp tới tương đương 107.5tr m2 nhà ở. Tỷ lệ đô thị hóa >80% cùng lực lượng trẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng cao đã biến Sài Gòn thành điểm nóng cho các dự án từ nhà giá rẻ đến hạng siêu sang.
2. Nhu cầu thuê nhà lớn nhất: Điểm đến ưa thích của cộng đồng người nước ngoài
Theo báo cáo PAPI 2023, hơn 20% người dân cả nước mong muốn chuyển đến sinh sống tại Sài Gòn, chủ yếu vì lý do đoàn tụ gia đình và tìm kiếm công việc tốt hơn. Đây cũng là điểm đến được ưa thích của cộng đồng người nước ngoài (>200,000 người), khi TP.HCM (Sài Gòn) xếp hạng 6 trong top các thành phố đáng sống trên thế giới.
3. Kiều hối vào BĐS lớn nhất: Biểu tượng đoàn kết và phát triển bền vững
Xuất phát từ dòng chảy lịch sử, lượng kiều hối gửi về hàng năm cho HCM trị giá 9,5 tỷ $ trong đó khoảng 15-20% đầu tư vào BĐS đặc biệt là sau Luật đất đai 2024 cho phép người gốc Việt được phép sở hữu nhà ở và đất đai như công dân trong nước tạo điều kiện hút dòng kiều hối vào BĐS.
4. Giá căn hộ trung tâm cao nhất: Biểu tượng di sản của sự thịnh vượng
Giá căn hộ trung bình ở khu vực trung tâm theo thống kê của Batdongsan ở mức 169tr/m2, trong đó một số dự án hàng hiệu (branded) như JW Marriott, hay siêu sang như The Opus K nhiều căn có giá lên tới gần 500tr/m2.
5. Nhiều đơn vị phát triển dự án nhất: Hơn 1 triệu người sống ở căn hộ
Người Sài Gòn được hưởng lợi lớn từ những khu đô thị hiện đại được phát triển bởi các chủ đầu tư trong nước như Vinhomes, Sơn Kim Land, Novaland, Phát Đạt, Hưng Thịnh, Nam Long, Khang Điền, Đất Xanh, Hà Đô, Phú Long…và cả các chủ đầu tư nước ngoài như Capitaland, Kepple Land, Gamuda Land, Hong Kong Land, Fraser…với hơn 600 dự án và với gần 450,000 căn hộ, ước tính hơn 1.3 triệu người sinh sống trong các dự án này chiếm hơn 15% dân số Sài gòn.
6. Giá đất vàng đắt nhất: Chạm mốc 2 tỷ/m2
Khu vực lõi trung tâm, đặc biệt là các tuyến phố biểu tượng như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, đang ghi nhận mức giá nhà đất thuộc hàng đắt đỏ nhất cả nước, với giao dịch lên đến 2 tỷ đồng mỗi mét vuông. Đây không chỉ là những con đường kinh doanh sầm uất mà còn là biểu tượng lịch sử, văn hóa, và sự phồn thịnh của thành phố.
7. Landmark 81 – Tòa tháp cao nhất: Biểu tượng khát vọng
Landmark 81, tòa tháp cao nhất Việt Nam với độ cao 461,2 mét, sừng sững tại khu đô thị Vinhomes Central Park, là biểu tượng cây tre vươn cao, thể hiện tinh thần kiên cường và khát vọng vươn xa của dân tộc Việt Nam, khẳng định vị thế của Sài Gòn như một trung tâm kinh tế và văn hóa hàng đầu khu vực.
Tất nhiên là Sài Gòn vẫn còn nhiều cái nhất khác nhưng 1 siêu đô thị với nhu cầu nhà ở, nhu cầu thuê hiện hữu, lượng kiều hối lớn, giá chung cư và nhà đất trung tâm liên tục lập kỷ lục trong một giai đoạn Kỷ nguyên vươn mình của đất nước, thì đô thị này vẫn còn nhiều cơ hội trong thập kỷ tiếp theo.
P/S: Một người đã có 20 năm sinh sống Sài Gòn…nhìn thấy sự đổi thay của Đô thị và BĐS
Nguổn: Dinh Minh Tuan