Hàng tồn kho “phình to”
CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Nhà Khang Điền, Mã chứng khoán: KDH) được biết đến là doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn tại thành phố Hồ Chí Minh với nhiều dự án như Lovera Vista, Jamila, Safira, Verosa Park, Lucasta Villa…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 đã soát xét, tính đến ngày cuối tháng 6, tổng tài sản của Nhà Khang Điền là 19.366 tỷ đồng, tăng 25,8 so với đầu năm.
Về chất lượng tài sản, tài sản ngắn hạn đạt mức 18.381 tỷ đồng, chiếm hơn 94% khối tài sản của KDH. Điều đáng chú ý là trong cơ cấu tài sản ngắn hạn, KDH đang phải đối diện với tình trạng hàng tồn kho “phình to” lên mức 12.113 tỷ đồng (tăng hơn 4.300 tỷ đồng so với đầu năm), chiếm tới 66 % tái sản ngắn hạn và chiếm 62,5 % khối tài sản của KDH.
Nguyên nhân của giá trị hàng tồn kho tăng mạnh do hàng chục nghìn tỷ đang “mắc kẹt” tại bất động sản xây dựng dở dang của KDH. Trong đó, tập trung tại các dự án bất động sản cụ thể như: Dự án Khang Phúc – Khu Dân cư Tân Tạo (4.653 tỷ đồng); Dự án Đoàn Nguyên – Bình Trưng Đông (3.174 tỷ đồng), Dự án Khang Phúc – Lovera Vista (2.118 tỷ đồng); Dự án Khang phúc – Khu Dân cư Bình Hưng 11A (517 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng là điều đáng quan tâm đối với KDH khi đến giữa năm 2022, khoản này đạt mức 4.810 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản của Nhà Khang Điền.
Trong trường hợp Nhà Khang Điền không bảo đảm tiến độ xây dựng, bán hàng để thu về lượng tiền đọng tại các dự án bất động sản cũng như việc thu hồi các khoản phải thu đúng hạn sẽ là áp lực lớn lên hoạt động cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Nợ vay tài chính tăng
Tính đến ngày cuối tháng 6.2022, KDH có tổng nợ phải trả đạt mức 8.009 tỷ đồng, tăng 48,2 % so với hồi đầu năm, nguyên nhân đến từ việc tăng mạnh giá trị nợ vay dài hạn (tăng hơn 3.000 tỷ đồng) so với đầu năm. Hết quý 2, tổng nợ vay tài chính của KDH đạt mức 5.761 tỷ đồng.
Trong các khoản vay dài hạn. KDH đang có khoản nợ từ trái phiếu phát hành trị giá 300 tỷ đồng, khoản trái phiếu này được đáo hạn vào ngày 14.6.2025 với lãi suất 12%/năm, hình thức đảm bảo là tín chấp. Bên cạnh đó, KDH đang nợ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) hơn 3.500 tỷ đồng, đây là “chủ nợ” lớn nhất của KDH trong hệ thống ngân hàng.
Để vay hàng nghìn tỷ của OCB và các ngân hàng khác, Nhà Khang Điền dùng tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại phường Bình Trưng Đông, thành phố Thủ Đức; Khu nhà ở tại Phường Phú Hữu, thành phố Thủ Đức và quyền tài sản phát sinh từ các dự án: Khu nhà ở 11A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh; Lê Minh Xuân mở rộng; Khu trung tâm Tân Tạo – khu A…
Về kết quả kinh doanh của KDH, tính tới hết quý 2, doanh thu thuần của KDH giảm 55,1 % xuống mức 875 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Sau khi trừ đi giá vốn và phí dịch vụ, lợi nhuận gộp của Nhà Khang Điền trong sáu tháng đầu năm đạt mức 575 tỷ, giảm 30,8 % sơ với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu giảm nhưng KDH bất ngờ có khoản “thu nhập khác” tăng đột biến hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 330 tỷ đồng nên KDH có tổng lợi nhuận đạt mức 745 tỷ đồng, tăng 18,3 % so với sáu tháng đầu năm 2021.
Xét về dòng tiền, hết nửa năm, dòng tiền kinh doanh của Nhà Khang Điền âm gần 1.500 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2021 âm hơn 800 tỷ đồng. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chính việc “phình to” hàng tồn kho và các khoản phải thu.
Ngoài ra, dòng tiền đầu tư của công ty cũng đang âm hơn 554 tỷ đồng do khoản chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. Dòng tiền tài chính của KDH dương 1.991 tỷ đồng, do thu được hơn 2.400 tỷ đồng từ vay ngắn hạn và dài hạn.
Nhà Khang Điền bảo lãnh cho công ty con vay gần 6.000 tỷ
Vừa qua, Nhà Khang Điền đã thông qua Nghị quyết phê duyệt cho công ty con là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (do Khang Điền nắm 100% vốn điều lệ) thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo A – Khu A, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, Tp.HCM theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 21/08/2017 và Quyết định số 377/QĐ-TTg ngày 8/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Nhà Khang Điền phê duyệt thông qua việc Nhà Khang Phúc vay vốn và thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) – Chi nhánh Tp.HCM với hạn mức vay tối đa 4.619 tỷ đồng. Thời hạn vay là 84 tháng kể từ ngày tiếp theo của ngày giải ngân đầu tiên. Mục đích vay nhằm thanh toán chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc Dự án Tân Tạo A.
Bên cạnh đó, Nhà Khang Điền cũng phê duyệt thông qua việc Công ty TNHH Tư vấn Quốc tế (Khang Điền sở hữu 99,9% vốn điều lệ) đồng ý về việc sau khi Dự án Khu nhà ở tại địa chỉ phường Bình Trưng Đông (Dự án Bình Trưng), quận 2, Tp.HCM được cấp phép Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Bình Trưng (Quốc tế sở hữu 99,9% vốn điều lệ) sẽ thế chấp để đảm bảo cho khoản vay của Nhà Khang Phúc tại Vietinbank tối thiểu 1.000 tỷ đồng và thế chấp nguồn thu phát sinh từ Dự án Bình Trưng với giá trị nguồn thu chia sẻ tương đương mức cấp tín dụng tối đa của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Bình Trưng cho khoản vay của Nhà Khang Phúc tại Vietinbank.
Nhà Khang Điền mới đây vừa công bố việc bảo lãnh để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ thanh toán thay cho Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Phúc (Khang Điền sở hữu 100% vốn điều lệ) tại Ngân hàng OCB – Chi nhánh Quận 4 với hạn mức vay 1.220 tỷ đồng.
|
Tú Anh/Daibieunhandan