Trước hết ta cần khẳng định các cụ dạy thế là phải, là đúng, không bình luận về lý do hay động cơ của việc phát biểu của ông Lịch mà chỉ mạn bàn thêm vài ý, xin chia sẻ với mọi người.
Các cụ cũng dạy “ đất lành, chim đậu”, thực tế là chim chỉ về làm tổ và ở lâu dài nếu ở đó mưa thuận gió hòa, có nhiều mồi, không có kẻ thù săn bắt….vv. Người ta nghiên cứu và vận dụng triết lý “thóc đến đâu, bồ câu đến đó” trong việc phân tích các luồng di cư từ đó tính toán việc qui hoạch và phân bố các nguồn lực …. Nhằm hạn chế dân chúng đổ xô về các thành phố lớn các nhà hoạch định tính toán xây dựng các đô thị vệ tinh với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gắn liền với các khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhằm hút dân về sinh sống qua đó “chia lửa” cho đô thị lõi.
Lý thuyết cũng như thực tế chứng mình rằng, sẽ có dòng dịch chuyển đến nơi nào nếu ở đó điều kiện sống tốt, phù hợp và đặc biệt phải có nhiều công ăn việc làm phù hợp với nhóm cư dân, nhóm nghề nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sỹ, ca sỹ… lại dồn về Sài Gòn. Thói quen, sở thích, mức sống…. của người Sài Gòn nói chung, giới trẻ Sài thành nói riêng đã tạo nên một môi trường lý tưởng đến mức nhiều ca sỹ, nhạc sỹ, diễn viên gốc Việt ở nước ngoài giờ đây còn thèm muốn khi nhìn cát xê, sự giàu có của Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hoài Linh, Đông Nhi, Trương Quỳnh Anh, Ngô Thanh Vân...mà...phát thèm.
Có thóc là chim đến, tuy nhiên quan trọng là đàm chim có ở lại hay lại lượn đi tìm đồng lúa mới. Lướt qua thực trạng một số “đô thị ma” rải rác trên nhiều tỉnh thành cả nước như: hàng loạt đô thị mới tại Mê Linh Vĩnh Phúc Diamond Park New, Khu đô thị Minh Đức, Dự án Ba Đình, Dự án Cienco 5 nằm liệt vị từ năm 2010; hay KĐT Kim Chung - Di Trạch 140ha của Vietracimex đã từng làm “dậy sóng” thị trường BĐS phía Tây Hà Nội vào giai đoạn 2007 - 2010, giá bán liền kề bị “thổi” lên đến 50 - 60 triệu đồng/m2 đến nay, sau hơn 10 năm cỏ phủ um tùm và giá chỉ còn 30-32 triệu. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (Horea) phải thốt lên rằng dự án “ma” là cụm từ không mới đối với thị trường bất động sản phía Nam. Rõ ràng đây là những điển hình chứng mình rằng đàn chim ào bay đến tranh nhau nhặt thóc rồi vù cất cánh bay đi.
Dùng thóc dụ chim đến, nhưng chuyện làm chim có làm tổ hay không lại không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người vãi thóc. Còn nhớ, năm 1996 Nhơn Trạch được Thủ tướng CP phê duyệt lên thành phố đô thị loại II. Theo đó các dự án ầm ầm đổ về đây … (ảnh 1) tiếc rằng đến nay sau hơn 20 năm Nhơn Trạch vẫn ở dạng “ tiềm năng” . Hay dự án tái định cư bản Khe Ò, Nghệ An của dự án thủy điện Bản Vẽ. Có thể nói, tại thời điểm 2005 ở vùng núi nghèo mà có nhà xây là niềm mơ ước của hầu hết cá hộ gia đình, ấy vậy mà nay 34/37 hộ đã bỏ đi định cư nơi khác. Có lẽ lý do duy nhất và dể hiểu là khu định cư tập trung này không phù hợp với nếp sống, người dân bức bối vì không thấy hồn cốt và văn hóa của dân tộc mình và khó kiếm kế sinh nhai (ảnh 2)
Từ xa xưa, khi chưa có khái niệm “điện, đường, trường, trạm” dân ta đã có phương châm an cư lập nghiệp là “ nhất cận thị, nhị cận giang” với một lý do dường như là duy nhất là có thể kiếm sống được do gần sông có đất màu để canh tác, có nước cho sinh hoạt và cấy trồng hoặc gần đô thị có thể làm thuê, làm mướn hoặc bán nông sản do người “kẻ chợ”.
Như vậy, rõ ràng rằng việc ông Lịch cho rằng FCL sẽ là nơi dẫn dắt, lôi kéo dự án khác, tạo dòng di cư… là chưa thỏa đáng vì rằng “ một cánh én chẳng làm nên mùa xuân”- hãy lấy Nhơn Trạch mà làm bài học nhãn tiền hay lấy Phú Quốc, Vân Đồn làm ví dụ để so sánh. Nhân đây, cũng khuyến cáo bà con rằng hãy cảnh giác khi đầu tư vào những dự án chưa có kết nối giao thông, không có hoặc không qui hoạch hạ tầng xã hội, khu vực xung quanh không có nhiều cơ hội việc làm… .vì thóc có vãi cũng chỉ dụ chim đến tranh cướp rồi lại vù bay là nếu bạn không phải là những con chim đến sớm hay nhanh tay nhanh mắt thì chớ dại theo đàn.