Hiện đang trong giai đoạn xây dựng nhưng trên nhiều trang web môi giới bất động sản, hàng nghìn căn hộ tại Lumi Hà Nội đã được rao bán rầm rộ với mức giá cao ngất ngưởng. Thậm chí, một số trang còn quảng cáo rằng chỉ trong một thời gian ngắn, đã có gần 3000 khách hàng đặt mua căn hộ tại đây.
Những dấu hiệu này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về tính pháp lý của dự án. Liệu rằng chủ đầu tư đã đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý để tiến hành bán hàng hay chưa? Đây là câu hỏi mà không chỉ khách hàng, mà cả các cơ quan chức năng cần phải làm rõ.
Trong thời gian qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã có nhiều văn bản gửi UBND quận Nam Từ Liêm, đề nghị kiểm tra dự án chung cư cao cấp Lumi Hà Nội.
Bên cạnh đó, tính đến ngày 29/7/2024, dự án vẫn đang trong giai đoạn thi công phần bê tông sàn tầng hầm và móng, Sở Xây dựng Hà Nội chưa cấp bất kỳ văn bản nào xác nhận dự án Lumi Hà Nội đủ điều kiện để đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh.
Ngoài ra, Sở không nhận được văn bản hay hồ sơ nào từ chủ đầu tư đề nghị huy động vốn theo quy định. Sở cũng không có văn bản nào xác nhận dự án Lumi Hà Nội đủ điều kiện để huy động vốn theo quy định.
Như vậy, điều này đồng nghĩa rằng, về mặt pháp lý, Lumi Hà Nội chưa đủ điều kiện để huy động bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Việc đặt cọc mua căn hộ tại các dự án chưa đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người mua.
Người dân và khách hàng cần phải thận trọng và tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin về tính pháp lý của dự án trước khi quyết định xuống tiền. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều dự án bất động sản đang sử dụng chiến lược quảng bá rầm rộ để lôi kéo khách hàng đặt cọc sớm, việc thiếu hiểu biết có thể khiến người mua rơi vào tình cảnh “thả gà ra đuổi”.
Gia Cát Phượng