Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 2080/QĐ-BTNMT, ngày 14.8.2019, thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, nhóm chuyên gia và ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Theo quyết định này - tại phụ lục III, bên cạnh nhiều chuyên gia về đất đai đã từng và đang làm việc ở các bộ ngành, tổng cục, viện…, có tên của bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban pháp chế của Tập đoàn Vingroup tham gia trong danh sách nhóm chuyên gia xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Tập đoàn Vingroup cũng là doanh nghiệp duy nhất có tên trong Quyết định 2080/QĐ-BTNMT.
Theo Điều 2 của Quyết định 2080/QĐ-BTNMT: Nhóm chuyên gia có trách nhiệm nghiên cứu, tư vấn ban soạn thảo, tổ biên tập và tham gia góp ý trong quá trình soạn thảo, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.
Ban soạn thảo, tổ biên tập có trách nhiệm phối hợp đơn vị được giao chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan để hoàn thành việc soạn thảo dự án luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ và các thủ tục do pháp luật quy định để trình Chính phủ và Quốc hội.
Kinh phí chi cho nhiệm vụ soạn thảo dự án luật do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Một số nội dung công việc liên quan đến kế hoạch xây dựng, trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai: tham vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tham vấn kinh tế đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Tham vấn quy định chung, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, chế độ sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến đất đai…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là Trưởng Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, đồng thời là Tổ trưởng Tổ biên tập và thường trực Tổ biên tập.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV ngày 3.6, Chính phủ đã có đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai khỏi chương trình năm 2019 và sẽ trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không rút dự luật này ra khỏi chương trình như Chính phủ đề nghị, mà lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu sang kỳ họp thứ 9, tháng 5.2020.
Nhiều doanh nghiệp trục lợi từ bất cập của Luật Đất đai
Sau hơn 5 năm triển khai Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai vẫn có nhiều bất cập và vướng mắc so với thực tiễn cuộc sống. Một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá đất Nhà nước quy định luôn thấp hơn nhiều so với giá thị trường, thấp nhất là giá đất nông nghiệp; cá biệt có địa phương giá đất nông nghiệp cao nhất chỉ 20.000 đồng/m2...
Tại một hội thảo về đất đai hồi tháng 3.2019, Thông tấn xã Việt Nam lược thuật phát biểu của PGS-TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cho rằng hiện nay khung giá đất của Nhà nước chỉ bằng khoảng 20 - 30% khung giá đất thị trường, khung giá đất cấp tỉnh chỉ bằng từ 30 - 60% giá đất thị trường tại địa phương. Điều này dẫn đến hệ lụy khiếu kiện kéo dài khi Nhà nước thu hồi đất.
Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XIV ngày 27.5 cho biết: từ năm 2014 đến 2018, cả nước phát sinh 342.710 đơn khiếu nại với 156.071 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước, trong đó khiếu nại về đất đai chiếm trên 60%. Bên cạnh đó, trong tổng số 15.015 đơn khiếu nại được Trụ sở Tiếp công dân Trung ương tiếp nhận từ ngày 1.7.2014 đến ngày 31.12.2018 có 10.834 đơn khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai, chiếm 72%.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm - một trong những điển hình về sai phạm trong thu hồi, bồi thường đất ở TP.HCM. Ảnh: Trung Dũng
Theo nhiều chuyên gia, do giá đất được Nhà nước quy định quá thấp so với mức giá phổ biến trên thị trường nên gây phát sinh và phát triển hành vi trục lợi từ đất đai; nhiều doanh nghiệp đang sử dụng đất thuê của Nhà nước, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản trục lợi.
Nhiều dự án Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) hoặc giao đất, cho thuê đất không đấu giá, chủ đầu tư còn chia nhỏ đất theo từng hạng mục công trình để đủ điều kiện được định giá theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất làm giảm mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Ngoài ra, còn tồn tại nhiều dự án được cấp phép ven sông, ven biển, mặt tiền công cộng, nhiều dự án ảnh hưởng đến công trình an ninh quốc phòng, sân bay.... đe doạ đến an ninh quốc phòng. Các dự án du lịch tâm linh còn chưa chặt chẽ, đất được cấp rất lớn nhưng còn nhập nhằng,…
Vào tháng 5.2019, tại buổi thảo luận kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, Đoàn giám sát của Quốc hội đã kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013 và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, minh bạch các dự án giao đất phục vụ kinh tế xã hội thông qua đấu giá.
Đoàn kiến nghị xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về giá đất, quỹ đất trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia. Đề nghị rà soát khung giá đất để có điều chỉnh phù hợp với giá thị trường. Có giải pháp khắc phục bất cập những trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, tiến đến phổ biến hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cấp phép xây dựng công trình nhà ở cao tầng tại trung tâm các đô thị khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực. Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội giải quyết vướng mắc trong quản lý quy hoạch và sử dụng đất quốc phòng...
Tuân thủ quy định khi xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, bảo đảm phương án cổ phần hóa. Việc chuyển mục đích, thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất phải tuân thủ quy hoạch, trình tự và thủ tục theo quy định,…
Luật Đất đai đầu tiên có hiệu lực từ ngày 8.1.1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14.7.1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15.10.1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1.7.2014.
Cuối năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để lấy ý kiến góp ý trong nhân dân. Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung 15 vấn đề của Luật Đất đai năm 2013, trong đó có bãi bỏ điều 130 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; giao thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể cho UBND cấp huyện trong trường hợp thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân...
Thùy Linh