Các chuyên gia, doanh nghiệp tham dự tọa đàm “Bất động sản 2025: Nhà ở cho người trẻ” sáng 3-4. Ảnh: HOÀNG TRIỀU/Người Lao Động.
Tại buổi toạ đàm đó, TS Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) có chia sẻ một vài thông tin khiến nhiều người chú ý:
"Doanh nghiệp nên tự bỏ đất để làm NOXH bằng một mức giá hợp lý nào đó thì sẽ có thêm nhiều quỹ đất làm NOXH hơn. Hoặc cần phải có chính sách rõ ràng cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà, tương tự như chính sách ưu đãi với NOXH hiện nay."
Ông Tuấn cho biết người trẻ có thể hiểu là độ tuổi từ 18 đến 34 và theo xã hội học, cần chia thành hai nhóm cụ thể 18 đến 23 tuổi và 24 đến 34 tuổi.
Từ 18 đến 23 tuổi là thời gian nhiều người trẻ trong giai đoạn sinh viên hoặc vừa ra trường – đây là nhóm đối tượng thuê nhà. Còn từ 24 tuổi trở đi là thời điểm bắt đầu ổn định hơn, có thu nhập rõ ràng hơn, bắt đầu phát sinh nhu cầu chỗ ở lâu dài và là đối tượng cần mua nhà.
Với công nhân, đã có chính sách về nhà ở lưu trú; các đối tượng khác như lực lượng vũ trang, người nghèo ở đô thị, người nghèo nông thôn… cũng đều đã có chính sách hỗ trợ riêng. Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng 1 triệu căn NOXH, con số này vẫn là mức tối thiểu.
=>> Và mình thấy nó đúng, bản thân mình cũng thuộc nhóm thứ hai, tức là nhóm đã bắt đầu lo đến chuyện mua nhà. Và thực sự, đó là một hành trình không dễ dàng, thậm chí là vượt ngoài khả năng.
Các bác cứ thử hình dung nhé, tại TPHCM có dân số khoảng 14 triệu người, nhà nước đặt mục tiêu đến năm 2030 là 100 ngàn căn NOXH thì là quá ít so với nhu cầu thực tế. Nếu sáp nhập Bình Dương và Vũng Tàu vào TPHCM thì nhu cầu còn lớn hơn. Do đó, cần có giải pháp xã hội hóa mạnh mẽ hơn.
Có nghĩa là cái cơ hội để một người trẻ như mình tiếp cận nhà ở giá hợp lý là cực kỳ mong manh. Thật sự, tôi thấy câu chuyện này không thể để nhà nước “ôm” mãi được, cần phải xã hội hóa mạnh mẽ, tức là các doanh nghiệp cùng tham gia cuộc chơi.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân
Người trẻ cần gì?
Thật sự những thế hệ như tụi mình không bao giờ đòi hỏi quá nhiều đặc quyền, bởi bọn mình hiểu rõ để có nhà là sự nỗ lực, cố gắng của từng cá nhân. Nhưng bọn mình cần một cơ hội công bằng để mua nhà. Nếu có một chính sách như NOXH, nhưng dành riêng cho người trẻ dưới 35 tuổi, thì sẽ tạo ra động lực rất lớn. Có nhà, có chốn an cư, bọn mình mới an tâm làm việc, học tập, cống hiến, đúng như ông Tuấn nói.
Và quan trọng hơn nữa là các gói vay 30-40 năm, lãi suất hợp lý. Hãy để người trẻ trả góp theo đúng dòng tiền thực tế, chứ đừng để mua nhà thành gánh nặng đè nát tuổi trẻ.
Đừng bỏ quên nhóm 18–23 tuổi
Mình từng là sinh viên, từng ở trọ, từng chuyện trọ liên tiếp mấy lần vì chỗ ở không như ý và mình hiểu cảm giác không có ký túc xá, phải vật lộn với giá nhà trọ cao, an ninh kém, rồi đủ thứ bất tiện. Nếu nhà nước đầu tư mạnh vào hệ thống ký túc xá tập trung, sạch sẽ, giá rẻ thì sinh viên sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Đó là một phần rất thiết thực để giảm áp lực cho người trẻ trong những năm đầu đời.
Công nhân cũng là người trẻ
Không thể bỏ qua nhóm công nhân, họ cũng là người trẻ, cũng cần nhà để an cư. Vấn đề là nhà lưu trú công nhân hiện vẫn thiếu, chính sách lại chưa rõ ràng. Tôi đồng tình với quan điểm: Phải có thêm chính sách để công đoàn hoặc doanh nghiệp xây nhà lưu trú cho công nhân. Chứ với giá thuê đất cao chót vót hiện tại, mà không có hỗ trợ gì thì... ai dám làm?
Tôi thấy câu hỏi “làm sao để người trẻ có nhà khi trưởng thành” không chỉ là chuyện cá nhân, nó là chuyện phát triển đất nước. Muốn Việt Nam mạnh thì người trẻ phải mạnh. Muốn người trẻ mạnh thì phải để họ có nơi để sống, để mơ, để cống hiến.
Không đợi đến lúc 35 tuổi mới có nhà. Hãy bắt đầu từ hôm nay, bằng những chính sách thiết thực hơn, mở rộng hơn, và công bằng hơn cho tất cả.
Bạn nào đang trong cảnh đi thuê nhà, hay đang cố gắng gom góp từng đồng để mua nhà có ai thấy mình trong bài viết này không? Comment chia sẻ nhé, mình nghĩ chúng ta không cô đơn đâu.