Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Khánh Duy, đại diện Savills đã chia sẻ về các tiêu chuẩn xanh cho các căn hộ chung cư.
Căn hộ chung cư "xanh" không chỉ đáp ứng các tiêu chí về thiết kế, xây dựng thân thiện với môi trường mà còn phải đảm bảo mang lại lợi ích cho cư dân. Trong đó, có thể kể ra một số yếu tố:
Thứ nhất, về thiết kế kiến trúc, mảng xanh và xây dựng thân thiện với môi trường, thể hiện qua việc sử dụng vật liệu xây dựng bền vững, vật liệu tái chế hoặc vật liệu ít phát thải; Thiết kế tối ưu hóa ánh sáng và thông gió tự nhiên, giảm tiêu thụ nắng lượng từ hệ thống chiều sáng và điều hòa. Ngoài ra, không gian cây xanh cũng là một yếu tố quan trọng, các căn hộ “xanh” thường dành ít nhất 30% diện tích không gian công cộng và cây xanh.
Thứ hai là yếu tố sử dụng năng lượng hiệu quả, trong đó, năng lượng tái tạo như sử dụng năng lượng mặt trời hoặc hệ thông nước nóng năng lượng mặt trời, sử dụng hệ thống đèn Led tiết kiệm năng lượng và các thiết bị tiết kiệm năng lượng như điều hòa, tủ lạnh, thiết bị gia dụng...
Về quản lý và tái chế rác thải, cần có hệ thống xử lý rác thải hiện đại, phân loại từ rác đầu nguồn, tái chế rác hữu cơ và vô cơ, hệ thống nước thải tái sử dụng được xử lý để tái sử dụng cho tưới cây hoặc vệ sinh.
Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng cần có là đảm bảo sức khỏe và tiện ích cho cư dân, từ chất lượng không khí trong nhà đến không gian sinh hoạt lành mạnh, các tiện ích như công viên, đường chạy bộ, khu vực vui chơi cho trẻ em...
Các dự án căn hộ "xanh" trên thế giới thường tuân thủ các tiêu chuẩn xanh được công nhận toàn cầu, như: LEED (Leadership in Energy and Environmental Design): Được chứng nhận bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (USGBC). Tiêu chuẩn này yêu cầu dự án phải đạt điểm cao về tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải carbon, và tối ưu tài nguyên; BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Methodology): Tiêu chuẩn xanh từ Anh Quốc, đánh giá toàn diện về thiết kế, vận hành, và xây dựng bên vững; WELL Building Standard: Tiêu chuẩn tập trung vào sức khỏe và tiện ích cho người sử dụng, bao gồm chất lượng không khí, ánh sáng tự nhiên, và không gian sống.
ại Việt Nam, các dự án căn hộ "xanh" cũng bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhưng được điều chỉnh phù hợp với điều kiện địa phương, bao gồm các tiêu chuẩn: EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies): Chứng nhận của IFC; (International Finance Corporation), hướng đến các giải pháp xanh nhưng chi phí thấp, phù hợp với các nước đang phát triển như Việt Nam; LOTUS Certification: Chứng nhận xanh do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) phát triển, được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện khí hậu, kinh tế và xã hội tại Việt Nam; Bên cạnh đó là các tiêu chuẩn xanh riêng của doanh nghiệp như một số chủ đầu tư lớn như Vinhomes,Ecopark, và Novaland phát triển các tiêu chuẩn xanh riêng, lấy cảm hứng từ chuẩn quốc tế nhưng tập trung vào giá trị kinh tế và tiện ích địa phương.
Như vậy, yếu tố khác biệt về xu hướng xanh giữa quốc tế và chuẩn quốc tế tại Việt Nam đầu tiên là về chi phí đầu tư, ở quốc tế, chi phí này rất cao, thường từ các chủ đầu tư toàn cầu còn chuẩn quốc tế tại Việt Nam thấp hơn, tối ưu hóa chi phí nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả xanh.
Về quy mô, chuẩn quốc tế đa dạng từ tòa nhà đơn lẻ đến khu đô thị lớn, trong khi đó chuẩn quốc tế tại Việt Nam thường áp dụng ở các dự án quy mô vừa và lớn. Về công nghệ, tiêu chuẩn quốc tế sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, ví dụ như hệ thống tự động hóa toàn diện, trong khi đó chuẩn quốc tế tại Việt Nam áp dụng công nghệ tiên tiến nhưng giới hạn do chi phí.
Về tiêu chuẩn khí hậu, tiêu chuẩn quốc tế phù hợp với từng khu vực khí hậu cụ thể, trong khi đó, tại Việt Nam điều chỉnh để phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa ở Việt nam. Đối với tính bền vững, tại Việt nam hướng tới mức phát thải carbon bằng 0, trong khi đó tại Việt Nam hướng tới giảm thiểu phát thải carbon đáng kể, nhưng chưa đạt mức bằng 0. Ngoài ra, về sức khỏe cư dân, tiêu chuẩn quốc tế cũng rất cao, như WELL tập trung sâu vào sức khỏe, còn tại Việt nam tập trung nhưng chưa đạt độ chi tiết như WELL.