Tháng 7/2020, trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP ban hành, lần thứ 3 (kể từ 2019) Bộ Tài chính (BTC) cảnh báo rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đối với các nhà đầu tư cá nhân. Tại lần cảnh báo này, BTC cũng lưu ý doanh nghiệp phát hành phải tính toán cụ thể dòng tiền để xây dựng phương án phát hành trái phiếu khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ; không vì mục tiêu bán cho nhà đầu tư cá nhân mà chia nhỏ thành nhiều đợt phát hành với nhiều mã trái phiếu… đồng thời cảnh báo các tổ chức phân phối trái phiếu không chào mời phân phối trái phiếu bằng mọi giá cho nhà đầu tư…vv.
Trước đó, chuyên gia, báo giới đã tốn quá nhiều giấy mực ra sức cảnh báo rủi ro, nguy cơ mất vốn… nhưng không thể át nổi lòng tham, không tỉnh được cơn say của cả 3 đối tượng tham gia thị trường: (1) Đơn vị phát hành hối hả chạy tiến độ trước khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1/9/25020); trước khi bị giải chấp, bị chuyển nhóm nợ xấu hay thanh toán các khoản nợ đến hạn…
(2) nhà đầu tư mờ mắt vì miếng pho mai béo bở - lãi suất (LS) cao gấp 3 lần gửi ngân hàng (18%/năm) bất chấp bẫy đã căng sẵn
và (3) tổ chức phân phối - ngư ông đắc lợi khi hưởng tới 3-3,5% phí phát hành, chưa tính kiếm thêm khoảng 4-4,5% từ nghiệp vụ “đầu nậu” khi “ôm” lại những TPDN có chất lượng cao với LS khoảng 12% nhưng bán lại cho khách hàng gửi tiết kiệm với LS 7,5-8% (nhỉnh hơn khoảng 0,5% so với LS tiền gửi). Số liệu 6 tháng đầu năm 2020 đã chứng minh rõ điều này khi tổng giá trị TPDN huy động thành công đạt trên 174 nghìn tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2019 trong đó bất động sản chiếm 50% lượng phát hành, tiếp sau đó là nhóm ngân hàng với 27%.
Cá biệt, vừa qua Tập đoàn Apec vừa thông qua phương án phát hành 30 triệu trái phiếu Happy18 Bond với lãi suất lên tới 18%, kỳ hạn 5 năm trải lãi cuối kỳ. Trái phiếu có mệnh giá phát hành là 100.000 đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo phương án này, nhà đầu tư được hưởng tới 90% lợi nhuận (18%/năm x 5 năm) nếu họ được thanh toán cả gốc và lãi như cam kết. Với mệnh giá 100.000 đông/trái phiếu, cùng với sự chào mời ráo riết của đội ngũ bán hàng thì những đồng tiền lương hưu còm cõi, những món tiết kiệm của người làm công ăn lương, tiền mừng tuổi của trẻ em và tiền công thợ, chạy xe ôm … vv sẽ bị hút vào cơn lốc mang tên Apec … nếu không được cảnh tỉnh và nếu công ty đổ vỡ thì 5 năm tới có thể có tới hàng chục nghìn nạn nhân (3000 tỷ đồng/100 nghìn đồng).
Trước đó, Công ty Xích Lô Đỏ có ngành, nghề kinh doanh chính là cắt tóc, làm đầu, gội đầu ở TP.HCM vừa phát hành thành công lô trái phiếu kỳ hạn 10 năm với tổng giá trị 738 tỷ đồng. Trong khi doanh thu năm 2018 và 2019 của Công ty Xích Lô Đỏ đạt lần lượt là 26,6 triệu và 2,2 triệu đồng và mức lỗ tương ứng 62 triệu và 28 triệu đồng. Đến cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty đạt 463 triệu đồng trên vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Công ty này sẽ làm ăn ra sao khi vốn huy động gấp 1,593 lần so với vốn chủ sở hữu ????
Từ ngày 1/9/2020 Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực. Theo đó điều kiện phát hành trái phiếu như sau: Đảm bảo dư nợ TPDN phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; Mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng...có thể, những người đã mua TPDN thời điểm này đã lâm vào tình thế “ ứ ự, cái sự đã rồi” !