Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Công ty Phương Đông đã đổ hàng nghìn khối đất, đá xuống vịnh Bái Tử Long với diện tích khoảng 16.000 m2 phần mặt nước, bãi triều tại thôn Đông Tiến do UBND xã Đông Xá quản lý, nằm ngoài ranh giới dự án đô thị Phương Đông do Công ty này làm chủ đầu tư.
Vụ việc khiến nhân dân Vân Đồn nói chung và những người đang mưu sinh bằng nghề đào sá sùng ở bãi bồi khu vực này lo ngại, bất bình và phản ánh tới chính quyền địa phương. Theo người dân Vân Đồn, hành vi này làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái biển, mất đi nguồn lợi thủy sản, chủ yếu là con sá sùng có giá trị kinh tế cao.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, Công ty CP đầu tư xây dựng Phương Đông có trụ sở tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đã ngang nhiên đổ hàng chục nghìn khối đất đá lấn chiếm vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Dân Việt.
Nhiều ý kiến cho rằng hành vi trên không đơn giản chỉ là sự vô ý mà đã có tính toán, sắp đặt từ trước. Vì vậy, người ta không khỏi đặt câu hỏi, với hành động gây nguy hại đến cảnh quan và môi trường biển nghiêm trọng như vậy có thể tồn tại một cách lâu dài và liên tục, cùng một khối lượng đất đá khổng lồ? Liệu rằng có sự “tiếp tay” hay cố tình làm ngơ trong sự việc này?
Hàng chục nghìn khối đất đá được đổ xuống vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Dân Việt.
Được biết, Căn cứ vào các quy định pháp luật, UBND huyện Vân Đồn ban hành Quyết định số 05/QĐ-XPVPHC ngày 19/02/2021 về việc xử phạt Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phương Đông mức xử phạt 100 triệu đồng. Đồng thời buộc Công ty phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, thời gian thực hiện khắc phục hậu quả trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định.
Theo tìm hiểu được biết, Công ty Phương Đông thành lập từ tháng 7/2005, trụ sở chính được đặt tại thôn Đông Hải, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Doanh nghiệp này chính là chủ đầu tư dự án khu đô thị Phương Đông trên địa bàn xã Đông Xá, với diện tích gần 180 ha. Đây là một trong những dự án khu đô thị ven biển lớn nhất của huyện Vân Đồn và là sản phẩm bất động sản tâm huyết của ông chủ Phương Đông tại Vân Đồn.
Tiềm lực của công ty Phương Đông, ít nhất là trong lĩnh vực bất động sản, là thực sự là ấn tượng, thể hiện rõ qua kết quả kinh doanh: Năm 2019, doanh thu thuần đạt 5.335,1 tỉ đồng, báo lãi 916,4 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận ở mức 17,1%.
Theo thông tin giới thiệu của Hải Phát Land - một “đối tác chiến lược” của Phương Đông, thì Phương Đông là “đơn vị có tiềm lực kinh tế mạnh, với gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và công nghiệp. Đồng thời là chủ đầu tư các khu công nghiệp lớn như KCN Tam Anh tại Quảng Nam với diện tích 165 ha; Cảng Nam Cửa Việt tại Quảng Trị và KCN Khánh Cư tại Ninh Bình với diện tích 52 ha”.
Là chủ đầu tư dự án địa ốc vị trí đắc địa bậc nhất, có ‘view’ hướng thẳng ra vịnh Bái Tử Long cùng lợi nhuận khủng có thể thấy tiềm lực trong lĩnh vực bất động sản của doanh nghiệp này khủng cỡ nào.
Theo thông tin Vietimes cung cấp, Từ ngày 2/10/2020, vị trí giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Phương Đông do ông Phạm Văn Quang (SN 1985) đảm nhiệm.
Ông Phạm Văn Quang có gần 3 năm làm CEO của CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG (tiền thân là CTCP Kính nổi Chu Lai – Indevco), trước khi được thay thể bởi ông Đỗ Tuấn Việt (SN 1982) từ ngày 9/12/2020.
CTCP Kính nổi Chu Lai – CFG (Chu Lai - CFG) là chủ đầu tư Nhà máy Kính nổi Chu Lai tại tỉnh Quảng Nam, chuyên sản xuất các sản phẩm kính trắng xây dựng, công suất 900 tấn/ngày. Doanh nghiệp này cũng là chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tam Anh 1 (giai đoạn 1) tại xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Tháng 7/2018, Chu Lai - CFG thành lập Công ty TNHH CFG Quảng Trị với quy mô vốn điều lệ 50 tỉ đồng, chủ đầu tư dự án bến cảng CFG Nam Cửa Việt, khởi công ngày 28/12/2019, tổng vốn đầu tư 640 tỉ đồng, tại xã Triệu An, tỉnh Quảng Trị.
Ông Đỗ Tuấn Việt – CEO Chu Lai - CFG, còn đứng tên tại Công ty TNHH Công nghiệp Hạ Long – CFG (Hạ Long CFG), chủ đầu tư dự án Nhà máy kính tiết kiệm năng lượng chất lượng cao CFG công suất 2x600 tấn/ngày tại Khu Công nghiệp Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.
Năm 2019, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Đô thị Phương Đông vượt xa nhiều doanh nghiệp trong hệ sinh thái Indevco Group. Ảnh Viettimes
Trở lại với Chu Lai CFG, danh sách cổ đông công bố vào tháng 1/2018 cho thấy, công ty này có 3 cổ đông tổ chức, bao gồm: CTCP Tập đoàn Indevco (Indevco Group), Tổng Công ty An Lạc Viên Indevco (An Lạc Viên Indevco) và CTCP Tập đoàn Thái Dương (Thái Dương Group).
Dù không nêu rõ tỉ lệ sở hữu, song với hai thành viên góp mặt, Indevco Group cho thấy vai trò chủ đạo tại Chu Lai Glass khi Chủ tịch của tập đoàn này – ông Đỗ Thành Trung (SN 1966) – đại diện cho công ty, xuất hiện ở nhiều sự kiện quan trọng. Tính đến ngày 21/9/2017, Chủ tịch Đỗ Thành Trung nắm giữ tới 99,589% vốn điều lệ của Indevco Group.
Thành lập từ tháng 8/2002, Indevco Group là một trong những tập đoàn danh tiếng tại tỉnh Quảng Ninh, là chủ đầu tư của hàng loạt các dự án quy mô như: Công viên nghĩa trang An Lạc quy mô 630ha, tổng vốn đầu tư lên đến 1.500 tỉ đồng tại các xã Vũ Oai, Hòa Bình thuộc huyện Hoành Bồ; Dự án Trung tâm xử lý chất thải rắn, trồng cây ăn quả, rau sạch chất lượng cao và công viên cây xanh tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả quy mô 713ha, tổng mức đầu tư 1.000 tỉ đồng; Dự án nghĩa trang An Lạc Viên Indevco Thái Nguyên (tổng mức đầu tư khoảng 300 tỉ đồng).
Qua những thống kê sơ bộ trên, có thể thấy Công ty Phương Đông có tiềm lực và hậu thuẫn mạnh cỡ nào!