Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) vừa tiết lộ thông tin trong niên độ tài chính 2022-2023, Hội đồng quản trị đã bàn bạc, thống nhất chủ trương tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái. Dự án này do công ty con của tập đoàn - Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái - làm chủ đầu tư.
Diện tích dự án gần 9.676m2, bao gồm tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện (hơn 5.585m2) và khu nhà phố thương mại liền kề (hơn 4.090m2). Trong 2 niên độ gần đây, Hoa Sen không cập nhật tiến độ dự án này trên báo cáo thường niên.
Tại báo cáo thường niên 2021, công ty cho biết đối với khu trung tâm thương mại, dự án đã được hoàn thiện phần thô. Đối với nhà phố thương mại liền kề, công ty đã hoàn thiện việc thiết kế, quy hoạch phân lô 100m2/lô; đang hoàn thiện phương án thiết kế theo quy hoạch.
Đầu năm 2023, Hoa Sen đã góp thêm 81 tỷ đồng vào CTCP Hoa Sen Yên Bái để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án. Theo đó, vốn điều lệ của Hoa Sen Yên Bái tăng lên mức 421 tỷ đồng, trong đó HSG sở hữu 95,96%.
Trong báo cáo tài chính gần nhất (quý I niên độ 2023-2024), chi phí xây dựng dự án Hoa Sen Yên Bái được ghi nhận gần 386 tỷ đồng.
15 năm Hoa Sen chưa từng có "trái ngọt" với bất động sản?
Tập đoàn Hoa Sen có nhiều năm ấp ủ những kế hoạch lớn với bất động sản, nhưng đến nay chưa thực sự gây tiếng vang. Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 4 dự án chung cư, văn phòng tại TPHCM. 2 năm sau đó, tập đoàn này tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.
Đến năm 2016, tập đoàn trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Hoa Sen Yên Bái, Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội và Hoa Sen Quy Nhơn.
Đến nay, 3 công ty đã giải thể, chỉ còn Hoa Sen Yên Bái hoạt động. Nhưng công ty cũng đang tính bán dự án duy nhất mà Hoa Sen Yên Bái làm chủ đầu tư.
Tuy nhiên, có vẻ như Hoa Sen không dễ dàng từ bỏ mảng bất động sản. Mới đây, tập đoàn thông qua việc thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Tập đoàn Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ, còn lại 60% là các cổ đông sáng lập khác. Ông Trần Ngọc Chu - Thành viên HĐQT tập đoàn - sẽ là người đại diện phần vốn góp tại công ty bất động sản này.
Công ty mới thành lập sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 22-24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala (TP Thủ Đức, TPHCM). Công ty này thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024. Trong trường hợp các cổ đông khác của Hoa Sen Sài Gòn chưa thu xếp kịp vốn để đầu tư vào các dự án, phía tập đoàn sẽ tạm ứng kinh phí hoặc bảo lãnh các khoản vay của các cổ đông tại ngân hàng. Các cổ đông có nghĩa vụ trả gốc và lãi (nếu tạm ứng) hoặc trả lãi và các chi phí liên quan đến khoản vay tại ngân hàng (nếu được tập đoàn bảo lãnh khoản vay).
Lĩnh vực kinh doanh chính: Doanh thu và lợi nhuận cùng giảm 2 chữ số
Tập đoàn Hoa Sen là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất tôn mạ, sở hữu gần 500 chi nhánh, cửa hàng trên toàn quốc và phân phối sản phẩm ở 87 quốc gia, vùng lãnh thổ, tính đến cuối năm 2023.
Ban lãnh đạo công ty đánh giá thị trường ngành thép trong năm 2023 tiếp tục đối mặt với những diễn biến hết sức phức tạp, tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Cụ thể là nhu cầu thép tại hầu hết quốc gia và khu vực trên thế giới giảm mạnh do hoạt động xây dựng và đầu tư cơ sở hạ tầng suy giảm, ảnh hưởng từ vấn đề lạm phát, chi phí năng lượng tăng cao và các cuộc xung đột địa chính trị. Bên cạnh đó, Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu thép với tốc độ giảm giá nhanh đã củng cố xu hướng giảm giá thép trên toàn thế giới.
Trong nước, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý khi kinh doanh, xây dựng dự án vẫn còn hiện hữu. Nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng nội địa yếu khiến các doanh nghiệp trong ngành liên tục phải điều chỉnh giảm dần giá bán để cạnh tranh. Ngoài ra, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khả quan trở lại cũng ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Kết thúc niên độ tài chính 2022-2023, Tập đoàn Hoa Sen đạt tổng doanh thu 31.651 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 30 tỷ đồng, giảm lần lượt 36% và 92% so với năm trước, thực hiện tương ứng 93% và 30% kế hoạch đề ra.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Hoa Sen - trong thông điệp gửi tới cổ đông, nêu năm 2024, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều biến động khó lường, tác động mạnh hơn đến các doanh nghiệp cùng ngành.
Trong niên độ 2023-2024, tập đoàn tiếp tục đặt kế hoạch kinh doanh với 2 kịch bản. Kịch bản 1, doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, gấp 13 lần so với thực hiện niên độ trước. Kịch bản 2 là doanh thu dự kiến 36.000 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, gấp 17 lần so với thực hiện niên độ trước.
Tập đoàn cũng vạch ra kế hoạch kinh doanh với một số mảng kinh doanh chính như sản xuất kinh doanh nhựa, phân phối vật liệu xây dựng nội thất, ống thép.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp trong năm 2024 sẽ tăng, với giả định xuất khẩu và nội địa đều gia tăng sản lượng. Mức tăng giá thép bình quân tại các thị trường xuất khẩu vào cuối năm 2023 sẽ thể hiện rõ hơn trong giá bán bình quân và lợi nhuận của công ty trong quý II niên độ tài chính 2023-2024.
Theo Dân Trí