UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây đã ban hành quyết định về việc lựa chọn CTCP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Hồ Nước Ngọt tại địa phương này.
Thông tin này ngay lập tức thu hút được sự chú ý của dư luận, đặc biệt là người dân Sóc Trăng về tính khả thi của dự án khi một nhà đầu tư đang “nợ đầm đìa” lại được chọn làm chủ đầu tư dự án quan trọng này.
Theo đó, dự án có quy mô 47,13ha, tọa lạc tại phường 5 và phường 6, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Với tổng chi phí thực hiện là 2.467 tỷ đồng, dự án có thời hạn 50 năm, trong đó, thời gian xây dựng hoàn thành công trình là 3 năm kể từ ngày có quyết định giao đất.
Đây là dự án xây dựng khu đô thị gắn liền với công viên vui chơi giải trí bao gồm các chức năng: Ở, dịch vụ thương mại tổng hợp, trung tâm văn hóa, vui chơi giải trí, thể dục thể thao và các tiện ích đô thị khác phục vụ cho nhu cầu ở của người dân trong khu vực.
Trước đó vào tháng 4/2019, Tập đoàn FLC đã vượt qua hai ông lớn trong làng bất động sản là liên danh CTCP Tập đoàn Đất Xanh - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Hà Thuận Hùng cùng CTCP Tập đoàn Địa ốc Cát Tường để trúng sơ tuyển dự án này.
FLC được biết đến là tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam với tổng tài sản tới cuối năm ngoái là hơn 32.600 tỷ đồng, vốn cổ phần 7.099 tỷ đồng, doanh thu đạt 16.569 tỷ đồng và lãi sau thuế vượt 679 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bất động sản, FLC đã trở thành nhà phát triển loạt dự án lớn nhỏ trải dài khắp các địa phương, có thể kể đến như: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi quy mô 1.026 ha; dự án 6,4 ha tại Đại Mỗ hay nghiên cứu đầu tư gần 3.500 tỷ đồng xây dựng toà tháp 6 sao cao 72 tầng tại Hải Phòng,…
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, lãnh đạo FLC cũng thông tin rằng tập đoàn này hiện đang nghiên cứu xúc tiến đầu tư cho hơn 230 dự án tại 56 tỉnh thành trên cả nước.
Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, từ tháng 5/2019 đến nay, Bamboo Airways – Một hãng bay thuộc Tập đoàn FLC thường xuyên thanh toán chậm trung bình là 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết.
Cụ thể, tính đến ngày 18/3/2020, tổng số tiền công nợ Bamboo Airways còn phải thanh toán cho ACV là hơn 205 tỷ đồng, trong đó tổng số nợ quá hạn là 178,7 tỷ đồng (dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh, hành lý do ACV cung cấp trực tiếp cho hành khách nhưng Bamboo Airways chỉ là đơn vị thu hộ cho ACV là hơn 107,3 tỷ đồng.
Số tiền còn lại 71,3 tỷ đồng là dịch vụ phục vụ mặt đất, dịch vụ cảng do ACV cung cấp trực tiếp cho hãng. Tổng số tiền lãi quá hạn theo hợp đồng là 4,53 tỷ đồng; tổng số nợ chưa đến hạn là 25,74 tỷ đồng.
Lãnh đạo ACV khẳng định: ACV đã liên tục có tới 24 văn bản đốc thúc, yêu cầu hãng thanh toán nợ đúng hạn theo quy định tại hợp đồng đã ký nhưng đến nay hãng vẫn chưa thực hiện chi trả.
Ngoài ra, trong vài năm trở lại đây, FLC cũng được nhắc đến với nhiều thông tin liên quan đến nợ nần, đặc biệt là nợ các nhà thầu thực hiện các dự án bất động sản của tập đoàn này, trong đó có món hơn hơn 200 tỷ của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Còn nếu theo báo cáo tài chính thì trong vòng vài năm trở lại đây, mỗi năm FLC đều có những khoản nợ phải trả lên tới hàng chục tỷ đồng.