Trong hơn 5 năm qua, chúng tôi vô tình đã trở thành “nạn nhân” bởi những sai phạm tại Dự án Đại Thanh. Đến nay, sau khi gửi đơn đi các cấp chính quyền thuộc Thành phố Hà Nội và Trung ương, chúng tôi càng hiểu sâu sắc hơn tại sao chúng tôi vẫn tiếp tục buộc phải làm “con tin” của những sai phạm mà lỗi gây nên không phải xuất phát từ chúng tôi. Có chăng lỗi của người mua nhà đất tại dự án đó là quá đặt niềm tin vào doanh nghiệp và hệ thống quản lý Nhà nước thuộc chính quyền của Thành phố (TP) Hà Nội.
Một sự thật được phơi bày không thể biện minh, đó là Dự án có sai phạm! Sai phạm về thủ tục pháp lý đầu tư, sai phạm về trật tự xây dựng, sai phạm về quy hoạch. Các sai phạm đó xuất phát từ Chủ đầu tư Dự án chỉ biết tập trung để tối đa hóa lợi nhuận của mình mà bất chấp pháp luật, bất chấp cả đạo đức kinh doanh.
Sai phạm cũng được góp sức một cách tích cực bởi bộ máy quản lý Nhà nước thuộc chính quyền TP Hà Nội trong việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong công vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, dẫn đến gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng nay laị đẩy mọi sai phạm đó thành thiệt hại mà người mua là đối tượng trực tiếp gánh chịu, đồng thời cả xã hội cũng như Nhà nước cùng bị thiệt hại theo.
Vậy nhưng, nhìn lại quá trình chúng tôi đi kêu cứu, kiến nghị để giải quyết thì thấy rằng, chỉ người dân chúng tôi là quyết liệt, sốt sắng vì chúng tôi là bên duy nhất chịu nhiều thiệt hại do bị tước đi quyền và lợi ích hợp pháp. Còn lại các bên liên quan chưa thực sự vào cuộc, có chăng chỉ mang tính đối phó. Điều đó được thể hiện một cách rõ ràng ở thời hạn ra thông báo kết luận điều tra, các văn bản trả lời và phương hướng xử lý, tham mưu xử lý của các ban ngành. Cụ thể:
Đối với Chủ đầu tư dự án: Là bên trực tiếp gây ra những sai phạm, nhưng đến nay Chủ đầu tư gần như đứng ngoài cuộc trong tất cả các vấn đề, mặc dù chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để yêu cầu họ phải đứng ra giải quyết đảm bảo quyền lợi cho người mua. Bản chất mà ai cũng có thể hiểu được đó là, doanh nghiệp không còn quyền lợi gì nếu dự án được hoàn thành, bởi 100% sản phẩm của họ đã được bán cho người mua và thu đủ 100% giá trị. Có chăng, họ chỉ còn trách nhiệm đi theo đó là phải bỏ ra rất nhiều chi phí để dự án được hoàn thành.Vì thế,họ rất thờ ơ với việc hoàn thành các thủ tục pháp lý để đủ điều kiện đảm bảo quyền và lợi ích cho người mua. Thậm chí nếu dự án còn tiếp tục bị “tạm dừng”, doanh nghiệp còn được hưởng rất nhiều lợi nhuận từ chính các công trình họ đang quản lý và khai thác.
Mặc dù chính những công trình đó là một trong số những sai phạm của dự án hiện nay, thậm chí ở cả các lô đất chưa được phép xây dựng mà chính người mua chúng tôi đã bỏ tiền ra mua. Vậy phải chăng chính quyền Thành phố không còn cách gì để giải quyết và bất lực trước các sai trái của Chủ đầu tư Dự án? Chính quyền Thành phố muốn tiếp tục bắt chúng tôi làm phải làm “con tin” nhằm mục đích để Chủ đầu tư giải quyết sai phạm hay sao?
Đối với Cơ quan điều tra: Chúng tôi không được tiếp cận nên không thể đánh giá cách thức làm việc của các Cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vụ việc đã kéo dài suốt 5 năm nay, nhưng theo báo cáo Số: 5634/SXD-TTr ngày 02/7/2020 của Sở Xây dựng thì “Hiện nay cơ quan Bộ Công an đang thụ lý hồ sơ giải quyết”. Vậy theo quy định của pháp luật, thời hạn điều tra có được phép kéo dài trong chừng ấy thời gian hay không, có được xem là vi phạm quy định của pháp luật về thời hạn điều tra hay không?
Đối với Sở Xây dựng: Mặc dù được UBND TP Hà Nội giao cho làm chủ trì để “đề xuất giải quyết, trả lời công dân, báo cáo UBND Thành phố”,nhưng suốt một thời gian dài trong các văn bản báo cáo trả lời từ Sở Xây dựng, chúng tôi nhận thấy Sở Xây dựng vẫn chưa thấy rõ được tính cấp bách của vấn đề, chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì vốn được UBND TP giao cho. Nguyên nhân có thể do thẩm quyền của Sở Xây dựng chưa đủ, hoặc do năng lực lãnh đạo còn hạn chế để làm chủ trì giải quyết những vấn đề có tính phức tạp.
Minh chứng cụ thể là: khi Sở Xây dựng tổ chức một cuộc họp liên ngành với các Sở liên quan thì không có bất kì một vị lãnh đạo nào của các Sở ngành liên quan vừa có đủ năng lực vừa có thẩm quyền đến tham dự! Mà chỉ cử các nhân viên đến để nghe, để ghi nhận về báo cáo, bởi vậy kết quả các buổi làm việc đều không đưa ra được bất kì phương hướng cụ thể nào để tham mưu cho UBND Thành phố. Hoặc khi Sở Xây dựng gửi các văn bản lấy ý kiến của các Sở ngành liên quan, thì việc trả lời văn bản của Sở Xây dựng rất chậm, thậm chí không có (như văn bản Số: 5634/SXD-TTrSở Xây dựng đã nêu).
Cho đến khi có văn bản Số: 5196/VP-ĐT của UBND Thành phố chỉ đạo, thì Sở Xây dựng mới có 01 văn bản báo cáo, đó là văn bản Số: 5634/SXD-TTr ngày 02/7/2020. Văn bản này đã phần nào thể hiện đầy đủ hơn thông tin cũng như đưa ra “kiến nghị, đề xuất”,thể hiện rõ sự tham mưu của Sở Xây dựng đối với UBND Thành phố trong việc giải quyết vấn đề của chúng tôi, nhưng nhìn chung các thông tin, các đề xuất đó vẫn chưa đủ sâu và triệt để.Vậy nếu UBND TP Hà Nội vẫn tiếp tục cách làm cũ là giao cho Sở Xây dựng làm chủ trì thì đến bao giờ các vướng mắc tại Dự án Đại Thanh mới được tháo gỡ để đủ điều kiện đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi?
Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường: Sau khi có văn bản Số: 5196/VP-ĐT của UBND Thành phố chỉ đạo nêu rõ: “Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp các nội dung chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND Thành phố về giải quyết vướng mắc trong việc giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn Thành phố nhưng có vi phạm về quy hoạch, trật tự xây dựng, đề xuất giải quyết, trả lời công dân, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/6/2020”, vậy nhưng, vào ngày 09/7/2020 chúng tôi đến Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) để tìm hiểu nội dung văn bản trả lời công dân, thì được cán bộ tiếp dân hướng dẫn đến Văn Phòng đăng ký Đất đai Hà Nội (địa chỉ tòa nhà N1 AB Hoàng Minh Giám) để làm việc.
Tuy nhiên khi chúng tôi đến làm việc và trao đổi thông tin do người phụ trách cung cấp thì được biết hiện tại chưa có văn bản báo cáo, trả lời công dân nào được ký? Mặc dù đã quá thời hạn mà UBND TP giao là ngày 30/6/2020. Hơn nữa chúng tôi được biết đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo từ UBND TP đến Sở TN&MT, đặc biệt trong Thông báo Số: 956/TB-UBND ngày 14/8/2019 đã giao rất cụ thể những vấn đề Sở TN&MT phải giải quyết. Tuy nhiên cho đến nay, cũng như văn bản Số 5634/SXD-TTr nêu trên, thì vẫn chưa được thực hiện. Vậy nếu Sở TN&MT vẫn tiếp tục thờ ơ với các chỉ đạo như vậy, thờ ơ với nỗi khó khăn của người dân đang phải gánh chịu như vậy, thì đến bao giờ các nút thắt tại Dự án mới được tháo gỡ?
Đối với Sở Quy hoạch - Kiến trúc: Thông qua Thông báo Số: 956/TB-UBND ngày 14/8/2019, chúng tôi được biết UBND TP đã giao cho Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp với các Sở ngành liên quan “tổ chức kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn nhà đầu tư hoàn tất thủ tục...”. Do chúng tôi chưa được trực tiếp làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc nên chúng tôi chưa thể đánh giá sự vào cuộc của Sở được. Tuy nhiên chúng tôi biết, trong điều kiện thực tế của dự án hiện nay, rất cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì mọi vấn đề của Dự án mới được tháo gỡ.
Giải quyết những sai phạm của Dự án cần nhìn nhận một cách thấu đáo, gắn liền với quyền lợi của rất nhiều người dân đã bỏ tiền mua nhà,mua đất, do đó không thể bỏ mặc được. Vậy nên, rất cần thiết Sở Quy hoạch - Kiến trúc vào cuộc để hướng dẫn và cho phép Chủ đầu tư dự án làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch phù hợp, vì thực tế dự án vẫn còn quỹ đất để doanh nghiệp có thể điều chỉnh đáp ứng tiệm cận với các chỉ tiêu cơ bản, có như vậy thì việc giải quyết mới đãm bảo hài hòa quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan . Chúng tôi kính đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vào cuộc một cách quyết liệt và ráo riết thì mọi vấn đề mới được giải quyết một cách triệt để.
Đối với UBND Huyện Thanh Trì: Các sai phạm tại Dự án Đại Thanh không đáng xảy ra nếu ngay từ đầu các cấp chính quyền địa phương quản lý một cách chặt chẽ, và quyết liệt. Tuy nhiên, khi các sai phạm xảy ra để lại hậu quả cho người dân phải gánh chịu suốt 5 năm qua thì không thấy sự vào cuộc tháo gỡ của UBND Huyện Thanh Trì. Thiết nghĩ UBND Huyện Thanh Trì cần nhận thấy trách nhiệm của mình, cần có những đề xuất bám sát thực tế, kiến nghị lên UBND TP Hà Nội về những giải pháp tháo gỡ, cũng như có các biện pháp kiên quyết hơn nữa với Chủ đầu tư để họ thấy rõ trách nhiệm của mình. Nhưng thực tế cho đến nay, UBND Huyện Thanh Trì chỉ mới dừng ở mức độ là “chia sẽ những bất cập khó khăn của người dân phản ánh gặp phải khi ký hợp đồng mua nhà, đất tại dự án…”, và đề nghị người mua chúng tôi đến UBND TP Hà Nội để giải quyết (văn bản 1030/UBND-QLĐT).
Hoặc theo như Thông báo Số: 956/TB-UBND ngày 14/8/2019, UBND Huyện Thanh Trì đã có Tổng hợp báo cáo gửi Thanh tra thành phố văn bản Số: 1898/UBND- QLĐT đề xuất “UBND TP chỉ đạo các Sở ngành nghiên cứu xem xét có cơ chế đặc thù sớm giải quyết…”.
Kiến nghị:
Sai phạm ở khu đô thị Đại Thanh là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chủ đầu tư, không phải trách nhiệm của nhân dân.
Mặc nhiên, tài sản đất đai và giao dịch của cư dân Đại Thanh là hợp pháp. Chủ đầu tư đã mua đứt phân đoạn với nhân dân, nhân dân đã đóng thuế đầy đủ, chủ đầu tư đã thu đủ lợi nhuận nhưng khi thanh tra phát hiện ra những sai phạm của chủ đầu tư, lại cấm xây dựng, cấm chuyển nhượng, chuyển dịch… là chưa chính đáng. Như vậy, những sai phạm của chủ đầu tư hoặc những sai phạm của các cấp chính quyền lại đổ hết lên đầu người dân là không công bằng, không hợp lý. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý, không phải trách nhiệm của nhân dân.
Dưới góc độ pháp lý, trong vụ việc cấm cư dân Đại Thanh xây nhà gây ra bao nhiêu sự khó khăn, nợ nần chồng chất, đảo lộn cuộc sống của người dân,chính quyền Hà Nội cần tìm giải pháp truy thu và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện và chấp hành pháp luật. Ai sai tới đâu người đó phải chịu trách nhiệm, còn người dân trong tình huống này không sai nên đừng bắt họ phải chịu trách nhiệm của hậu quả sai phạm của các bên liên quan. Họ cần được bảo đảm quyền lợi, họ cần được xây nhà để đảm bảo cuộc sống, làm được như vậy thì nhân dân mới thực sự tin tưởng, tin cậy một chính quyền do dân, vì dân.
Để những vướng mắc của Dự án được tháo gỡ một cách triệt để và rốt ráo, nhằm giải quyết được cơ bản quyền và lợi ích của những người mùa nhà, mua đất như chúng tôi, thì chỉ khi lãnh đạo cấp cao nhất của UBND Thành phố Hà Nội phải là người trực tiếp đứng ra triệu tập, chủ trì, tổ chức buổi làm việc, đối thoại giữa các lãnh đạo của các Sở, ngành, UBND Huyện Thanh Trì. Đặc biệt, trong các buổi làm việc đó bắt buộc phải triệu tập được người đại diện pháp luật của Chủ đầu tư đến làm việc, đồng thời cho mời nhóm đại diện người mua đến tham dự. Ở cuộc đối thoại đó, tất cả các vướng mắc phải được đưa ra mổ xẻ để tìm giải pháp và có kết luận cuối cùng của lãnh đạo Thành phố, giao việc cho từng Sở, ngành, Chủ đầu tư; theo đó là tiến độ thực hiện, chế tài và đặc biệt là biện pháp cưỡng chế thực hiện đối với Chủ đầu tư nếu không thực hiện đúng tiến độ chỉ đạo hoặc cam kết thực hiện.
Với tính chất Nhà nước Việt Nam là Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, với đầy đủ công cụ pháp lý đòi hỏi mọi cá nhân, Doanh nghiệp, tổ chức phải tuân thủ sự chỉ đạo thống nhất của các cấp chính quyền mà ở đây là UBND TP Hà Nội. Có như vậy mới khẳng định được trật tự kỷ cương thượng tôn pháp luật, để đảm bảo sự ổn định chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, để xây dựng Thủ Đô ngày càng phát triển.
Nhóm đại diện cư dân