Theo khảo sát mới nhất từ Batdongsan.com.vn trong nửa đầu năm 2025, có tới 93% người đang thuê nhà cho rằng “không thể”, “khó”, hoặc “chưa chắc chắn” về khả năng mua được một căn nhà nếu chỉ dựa vào thu nhập hiện tại. Nói cách khác: nếu không có ông bà để lại đất, bố mẹ cho tiền, hay vũ trụ tặng trúng lô, thì đường đến ngôi nhà mơ ước xem ra còn rất xa.
Muốn mua nhưng “hầu bao” không cho phép
Con số 46% người thuê cho biết họ muốn mua nhà nhưng chưa đủ tiền, tăng tới 12% so với cuối năm 2024. Điều đó không chỉ phản ánh mong muốn sở hữu tổ ấm, mà còn là một sự bất lực lặp lại mỗi khi mở app xem nhà: “Nhà đẹp đấy, nhưng tôi chỉ đủ tiền thuê chứ đừng nói đến mua".
Kể cả khi có tiền tiết kiệm, con đường mua nhà vẫn không hề dễ. Với mặt bằng giá căn hộ hiện tại ở TP.HCM hay Hà Nội dao động từ 2–3 tỷ đồng cho căn hộ tầm trung, người lao động phổ thông hay thậm chí nhân viên văn phòng có thu nhập ổn định cũng phải cân đong đo đếm từng đồng, chưa kể đến những rủi ro từ lãi suất, giá vật liệu xây dựng tăng, hoặc các khoản phát sinh không báo trước.
Thuê cho linh hoạt, chứ không phải không muốn mua
35% người được hỏi nói rằng họ chọn thuê để linh hoạt chỗ ở. Đây là một phần sự thật, nhưng cũng là một cách nói nhẹ nhàng để né tránh nỗi đau: thuê thì vẫn có thể ở gần trung tâm, tiện đi làm, sống gần quán cafe “chill chill”, còn mua thì… phải ra tận cuối chân trời. Bởi ở Hà Nội, TP.HCM, giá nhà đang kéo giãn khoảng cách địa lý giữa chốn mưu sinh và giấc mơ an cư.
Và rồi 5% chia sẻ rằng họ có tiền nhưng vẫn chưa mua, vì thị trường chưa hợp thời. Nhóm này rõ ràng rất tỉnh táo, nhưng cũng là số hiếm, những người đang “canh sóng”, chờ đúng thời điểm xuống tiền, trong khi số đông còn đang loay hoay giữa “giấc mơ có nhà” và “nỗi sợ gánh nợ”.
Cái khó không chỉ là mua mà còn là… thuê
Ngay cả chuyện thuê tưởng như là giải pháp tình thế cũng không còn dễ dàng. Có tới 58% người khảo sát cho rằng giá thuê hiện tại cần giảm tới 20%, và 28% muốn giảm mạnh hơn nữa. Chỉ có 14% đánh giá mức giá đang thuê là hợp lý đồng nghĩa với việc phần lớn người thuê cảm thấy “tiền nhà đang ăn mất phần sống”.
Tình trạng này càng phổ biến trong nhóm lao động trẻ, người nhập cư và hộ gia đình nhỏ. Một căn hộ 2 phòng ngủ ở quận trung tâm TP.HCM giá thuê tầm 12–15 triệu đồng/tháng, nếu đi cùng các chi phí khác như điện, nước, gửi xe, ăn uống, học hành… thì mỗi tháng chẳng còn lại bao nhiêu để tiết kiệm.
Nhà giờ là tài sản xa xỉ?
Có thể nói, việc sở hữu nhà đang trở thành “đặc quyền” hơn là một mục tiêu phổ thông như trước. Ngày xưa, ông bà cha mẹ chúng ta thường nói: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” là ba việc lớn của đời người. Giờ thì nhiều người chỉ dám mơ đến “thuê nhà, gọi đồ ăn, đóng tiền mạng”, những việc lớn hơn, tạm gác lại.
Thị trường bất động sản hiện nay không chỉ thách thức người mua mà còn làm khó cả người bán: khách thì không có tiền, chủ đầu tư thì không giảm giá, còn nhà môi giới thì ngày càng phải… “diễn sâu” để bán được hàng.
An cư… liệu có lạc nghiệp?
Câu hỏi “khi nào mua được nhà?” đang trở thành một trong những nỗi niềm phổ biến nhất của giới trẻ. Trên mạng xã hội, người ta đùa rằng: “Căn hộ bây giờ giá bằng cả đời đi làm, nên đành chấp nhận… ở nhà trọ cả đời.” Nhưng đằng sau những câu nói vui ấy là một sự thật không mấy dễ chịu: việc sở hữu bất động sản đang rời xa khỏi tầm tay của phần lớn người thuê nhà.
Nếu không có những giải pháp quyết liệt từ chính sách, hỗ trợ từ nhà nước, hay sự thay đổi từ thị trường, thì rất có thể trong tương lai gần, việc “có nhà” sẽ là thành tựu cá nhân như… du học, khởi nghiệp hay lấy chồng đại gia.
Và cho đến khi ấy, những người thuê nhà vẫn tiếp tục câu chuyện cũ: trả tiền mỗi tháng, nuôi hy vọng từng ngày, và thỉnh thoảng… lên mạng xem nhà mẫu để giữ tinh thần sống sót.