1. Thuế cao khiến chi phí lên cao: Điều đó khiến giảm động lực “lướt sóng”, giảm tính thanh khoản của các giao dịch mang tính đầu cơ. Người đầu cơ sẽ phải cân nhắc kỹ vì lợi nhuận nhanh đã bị thuế làm hao hụt.
2. Nguồn cung dồi dào hơn:
+ Do những người nắm giữ nhiều BĐS ngắn hạn sẽ có xu hướng bán bớt tài sản (trước khi luật mới có hiệu lực hoặc sau thời hạn tối thiểu để giảm thuế) để tránh chịu thuế cao.
+ Nguồn cung nhà (đặc biệt ở các dự án từng bị đầu cơ ôm hàng) sẽ được “giải phóng” ra thị trường nhiều hơn. Thực tế ở Việt Nam, nhiều khu đô thị bỏ hoang, nhiều căn hộ mua xong để trống chỉ vì nhà đầu tư chờ giá lên bán, làm lãng phí tài nguyên và tạo khan hiếm giả tạo. Đánh thuế người để hoang hoặc bán sớm sẽ thúc đẩy những căn nhà đó được bán cho người thực sự cần ở;
+ Các doanh nghiệp phát triển dự án có uy tín lại được hưởng lợi: Khi đầu cơ đất giảm, đất đai quay về giá trị hợp lý, họ có cơ hội mua đất rẻ hơn để phát triển dự án mới, bán hàng cho người ở thực thuận lợi hơn.
Do vậy, trong bối cảnh cung dồi dào hơn và đầu cơ giảm, người mua có quyền lực thương lượng hơn, nên việc tăng giá bán là không hề dễ dàng.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận mặt trái tiềm ẩn:
1. Thuế cao lên giao dịch có thể làm giảm thanh khoản chung của thị trường, đặc biệt trong ngắn hạn. Việc giảm lượng giao dịch cũng có thể làm giá biến động mạnh hơn khi cung cầu bị “mắc kẹt” trong các khoảng thời gian cố định – OECD từng chỉ ra rằng thuế giao dịch cao có thể làm thị trường kém linh hoạt, giảm số giao dịch và đôi khi tăng biến động giá do lượng mua bán thấp.
2. Một tác động phụ khác là tính linh hoạt trong nhu cầu ở của người dân. Một gia đình bình thường ít khi mua nhà rồi bán lại trong 1-2 năm, nhưng đôi lúc có hoàn cảnh bất khả kháng (chuyển công tác xa, cần tiền gấp…) phải bán sớm. Lúc đó, thuế cao sẽ là một chi phí đáng kể, có thể làm họ thiệt thòi.
Luật sư Thành Đạt - LTD Lawfirm