Loạt chung cư cao cấp không đảm bảo PCCC
Qua tìm hiểu của PV, rất nhiều dự án nhà cao tầng tại các thành phố lớn hiện nay được xây dựng khi chưa đảm bảo PCCC và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khá phổ biến. Điều đáng nói, nhiều nhà đầu tư xây dựng công trình cao tầng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của PCCC mà chủ yếu đối phó với các quy định của pháp luật.
Mới đây, UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã có công văn về việc tăng cường xử lý vi phạm đối với các cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ, đang yêu cầu tạm ngừng, ngừng hoạt động để khắc phục về PCCC trên địa bàn.
Theo văn bản được công bố, trong phạm vi quận Cầu Giấy, có 78 đơn vị phát hiện vi phạm quy định về PCCC, không đảm bảo các điều kiện về PCCC trên 7 phường: Quan Hoa, Yên Hòa, Trung Hòa, Mai Dịch, Dịch Vọng Hậu, Nghĩa Đô và Dịch Vọng.
|
|
Đáng chú ý, trong danh sách còn có sự hiện diện của nhiều chung cư cao cấp. Đơn cử như hai dự án The Nine tại số 9 Phạm Văn Đồng (phường Mai Dịch) và Tràng An Complex tại số 1 Phùng Chí Kiên (phường Nghĩa Đô) thuộc sở hữu của CTCP Bất động sản Toàn Cầu (GP-Invest).
Dự án Tràng An Complex ghi nhận tòa nhà Tràng An, tòa CTI phòng bảo vệ, tầng lửng trường mầm non, tòa CT2 vi phạm quy định PCCC và bị phạt 110 triệu đồng. Đối với dự án The Nine phát hiện tầng 31 có vi phạm nên bị đình chỉ, tạm đình chỉ và phạt 23 triệu đồng.
Dự án chung cư cao cấp và trung tâm thương mại Watermark tọa lạc tại 395 Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô) cũng nằm trong diện vi phạm quy định PCCC và bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động tại tầng mái trục (1-4, B-D); tầng T trục (6-8,C-D), trục (1-3,C-D). Đây là dự án do CTCP Phát triển bất động sản Tây Hồ Tây làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, một số dự án khác bị “điểm mặt” phải kể đến như chung cư Thăng Long Tower số 33 Mạc Thái Tổ; tòa nhà hỗn hợp AZ Lâm Viên 107 Nguyễn Phong Sắc,…
Trước đó, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng công khai loạt dự án chung cư, cơ sở vi phạm PCCC trên địa bàn quận. Trong danh sách này có loạt công trình nhà ở, chung cư. Có thể kể đến như dự án Eco Lakeview (32 Đại Từ, phường Đại Kim) do CTCP Ecoland làm chủ đầu tư.
Tại tòa HH01 dự án Eco Lakeview, hạng mục tầng 1 và tầng 8, chủ đầu tư đã thay đổi mặt bằng không đảm bảo theo thiết kế đã được thẩm duyệt nghiệm thu. Doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính 180 triệu đồng.
Tại chung cư Hateco Hoàng Mai (phường Yên Sở), hạng mục tầng 1, 2, 3 cải tạo ngăn chia mặt bằng sử dụng sai công năng.
Chung cư CT36 A&B (phố Trịnh Đình Cửu), hạng mục thang máy xuống tầng hầm đã được thẩm duyệt tuy nhiên chưa được nghiệm thu về PCCC.
Các tòa nhà chung cư Bắc, Trung, Nam Rice City (khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Liệt) vi phạm PCCC về ngăn chia khu vực ki ốt.
Tòa nhà An Bình (số 1, ngõ 43 Kim Đồng) chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC.
Toà nhà The Zen (phường Trần Phú) cũng nằm trong danh sách hạng mục công trình có vi phạm về PCCC.
Cụ thể, hạng mục tầng 1 của tòa nhà bị thay đổi công năng sử dụng, các thiết bị báo cháy, chữa cháy chưa đảm bảo theo thiết kế thẩm duyệt.
Dự án chưa đủ điều kiện PCCC sẽ không được cấp sổ hồng
Mặc dù đã có hàng loạt các Nghị định, Thông tư, Quy chuẩn liên quan đến an toàn PCCC khi đầu tư xây dựng căn hộ đã được ban hành. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư các chung cư, nhà cao tầng vẫn làm sơ sài, mang tính đối phó với quy định, quy chuẩn của pháp luật. Nhiều dự án chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã cho dân vào ở, điều này không chỉ gây mất an toàn tính mạng của cư dân mà còn ảnh hưởng đến quyền lợi của cư dân trong việc cấp sổ hồng sau này và nhiều thiệt hại khác…
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính khiến chủ đầu tư các dự án nhà ở cao tầng phớt lờ, không quan tâm đến công tác PCCC là do chi phí xây dựng hoàn thiện công trình PCCC “đội” lên cao khiến chủ đầu tư gặp khó. Đây cũng là bài toán đặt ra cho nhiều chủ đầu tư khi phải “nâng lên - hạ xuống” các chi tiết liên quan đến đầu tư cho PCCC, trong khi đó yếu tố này lại rất quan trọng.
Cũng theo các chuyên gia, khi một tòa nhà cao tầng không tuân thủ các quy định PCCC, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn tăng cao. Một vụ cháy lớn không chỉ gây thiệt hại về tính mạng con người, tài sản mà còn kéo theo những chi phí khổng lồ cho việc cứu hộ, chữa cháy và phục hồi sau thảm họa. Điều này gây ra những mất mát không thể bù đắp cho gia đình các nạn nhân và tạo ra nỗi ám ảnh lâu dài cho cộng đồng.
Ngoài ra, các vụ cháy lớn còn gây ra sự hoảng loạn và mất niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý cũng như các chủ đầu tư.
|
|
Còn về trách nhiệm của chủ đầu tư không tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện PCCC sẽ bị xử lý thế nào? Những dự án không đủ điều kiện về an toàn PCCC có được cấp sổ hồng không? Trao đổi với PetroTimes về vấn đề này, Luật sư Vũ Thủy Linh - Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, khi hệ thống PCCC chưa đủ điều kiện nghiệm thu mà chủ đầu tư vẫn tiến hành cho khách hàng mua nhà vào ở, sau đó xảy ra cháy nổ thì tùy tính chất mức độ, hậu quả xảy ra chủ đầu tư sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 100.000 đến 100 triệu đồng theo quy định tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, nếu chủ đầu tư để xảy ra cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng, có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về PCCC” theo quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự hiện hành với mức hình phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.
Đối với những cá nhân, đơn vị có thẩm quyền, trách nhiệm cấp phép, thẩm duyệt mà không làm hết tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý, được xác định là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự việc cháy nổ, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Cũng theo Luật sư Vũ Thủy Linh, dự án chưa đủ điều kiện PCCC sẽ không được cấp sổ hồng, cư dân sẽ gặp nhiều rủi ro sau này. Bởi theo Luật sư Linh, theo quy định hiện hành, một dự án bất động sản chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) khi đáp ứng đủ các điều kiện về pháp lý, trong đó có điều kiện về PCCC. Cụ thể, tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC thì các công trình đều phải đảm bảo các quy định về an toàn PCCC. Khoản 1 Điều 15 Nghị định này cũng quy định dự án, công trình có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi đưa vào sử dụng phải được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan tổ chức nghiệm thu về PCCC trước khi đưa công trình vào sử dụng.
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 23 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023, trước khi đưa vào sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức và trực tiếp tham gia nghiệm thu hoàn thành toàn bộ hạng mục công trình, trong đó có việc nghiệm thu về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về PCCC, bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và quy định của pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Trong trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Nghị định 10/2023/NĐ-CP ngày 03/04/2023 của Chính phủ, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên Môi trường các giấy tờ để cơ quan này làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho cư dân, trong đó có thông báo của cơ quan chuyên môn về xây dựng cho phép chủ đầu tư nghiệm thu công trình hoặc chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
“Do đó, trong trường hợp nếu dự án chưa đủ điều kiện nghiệm thu PCCC, cơ quan có thẩm quyền chưa cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ cho các căn hộ được”, Luật sư Vũ Thủy Linh nhấn mạnh.
TP HCM có 60.493 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao
Ông Huỳnh Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC Công an TP HCM cho biết, sau đợt tổng kiểm tra chuyên đề năm 2023, TP HCM có 60.493 cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao. Trong đó, 1.345 nhà chung cư, 32 cơ sở nhiều căn hộ; 55.446 cơ sở thuộc loại hình nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê; 3.670 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Các chung cư tại TP HCM chưa đảm bảo PCCC có thể kể đến như: chung cư Nguyễn Quyền nằm trên đường Phan Anh (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) do Công ty TNHH Nguyễn Quyền làm chủ đầu tư có tổng diện tích mặt bằng hơn 1.711 m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 14.700 m2 gồm 2 tầng hầm, 1 tầng trệt, 1 tầng lửng và 14 tầng lầu với tổng số 169 căn hộ. Trong đó có 156 căn hộ xây dựng theo thiết kế được duyệt và 13 căn hộ xây dựng trái phép.
Dù chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng chủ đầu tư chung cư này bất chấp nguy hiểm đã tự ý "lùa" cư dân vào ở từ năm 2013 đến nay.
Tương tự, trên địa bàn quận Tân Phú cũng có 3 chung cư chưa được nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa dân vào ở gồm: chung cư Ruby Land, chung cư Đại Thành và chung cư Khang Gia - Tân Hương. Trong đó, chung cư Khang Gia - Tân Hương được đưa vào sử dụng từ năm 2014, nhưng qua kiểm tra có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng khi tăng từ 232 căn hộ lên thành 409 căn hộ, tức tăng hơn 177 căn so với dự án được duyệt ban đầu. Ngoài ra, còn hàng loạt sai phạm khác trong công tác PCCC nên không bảo đảm an toàn để được nghiệm thu.
Hai chung cư còn lại cũng vướng nhiều sai phạm trong công tác PCCC nên chưa được nghiệm thu.
Theo VnFinance