"Condotel là một sản phẩm hấp dẫn đối với cả Người mua và Chủ đầu tư nhưng đòi hỏi một sự nghiên cứu và hiểu biết kỹ lưỡng về mô hình này vì những đặc tính khác biệt và phức tạp hơn nhiều so với các loại hình bất động sản khác", ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương - chia sẻ sau tình trạng vỡ cam kết lợi nhuận của dự án Cocobay.
Với kinh nghiệm tư vấn tại thị trường Bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam và Khu vực trong nhiều năm qua, ông Mauro chia sẻ những thông tin rất cụ thể về sản phẩm Condotel cùng với những rủi ro và cơ hội của mô hình này.
Condotel là gì? Rủi ro của sản phẩm này đến từ đâu?
Condotel mang những đặc tính của Condo (căn hộ/ nhà) vì bản chất là Ngôi nhà thứ hai, khi mà Người mua muốn sở hữu một tài sản mà họ có thể sử dụng cho mục đích cá nhân. Mặt khác, Condotel cũng được thiết kế theo mô hình và tiêu chuẩn Khách sạn để đảm bảo hoạt động vận hành và tạo nên dòng tiền cho thuê.
Do đó, khi chủ đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Khách sạn - nghỉ dưỡng và không hiểu rõ về dòng tiền hoạt động trong dài hạn của việc quản lý condotel, dự án sẽ gặp phải những rủi ro và khó khăn nhất định. Cụ thể, những thiếu sót trong việc hoạch định tiện ích của Khách sạn, định vị sản phẩm không phù hợp với thị trường hoặc sự thiếu trách nhiệm và cam kết của chủ đầu tư trong hoạt động vận hành tương lai cũng sẽ khiến dự án khó đạt được hoạt động tốt trong dài hạn.
Condotel có cam kết lợi nhuận bắt buộc phải có những tiện ích gì?
Đối với các sản phẩm đầu tư với cam kết lợi nhuận kèm theo hoặc Người mua chỉ có nhu cầu về lợi nhuận hoạt động (không sử dụng với mục đích là Ngôi nhà thứ hai), Condotel bắt buộc phải có các tiện ích và khả năng vận hành như một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng thông thường.
Chủ đầu tư và Người mua cần hiểu rằng họ không chỉ đang tham gia vào hoạt động đầu tư bất động sản thông thường mà bản chất chính là ngành khách sạn nghỉ dưỡng với những đặc thù riêng. Để có thể thành công và đạt được lợi nhuận trong lĩnh vực này, việc hoạch định đúng đắn mô hình và định vị dự án cũng như tầm nhìn dài hạn là một trong những yếu tố quyết định then chốt.
Trong một số trường hợp, các chủ đầu tư phụ thuộc vào đơn vị quản lý vận hành để đảm bảo dòng tiền hoạt động mà không hiểu rõ bản chất của ngành nghỉ dưỡng luôn biến động và nhà điều hành không có trách nhiệm thực hiện cam kết từ Chủ đầu tư đối với Người mua, đặc biệt đối với những sản phẩm không được hoạch định đúng đắn ngay từ ban đầu. Việc tham gia quản lý của các nhà điều hành khách sạn giúp nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm nhưng họ chỉ tham gia với vai trò vận hành và không chịu các rủi ro về lãi lỗ, vốn thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư.
Người mua cần lưu ý gì khi đầu tư Condotel?
Người mua trước hết cần xác định rõ mục đích mua Condotel, theo dạng sản phẩm nghỉ dưỡng hay đơn thuần là đầu tư để đạt được lợi nhuận.
- Condotel nghỉ dưỡng: Sản phẩm nghỉ dưỡng không có nghĩa là lợi nhuận đầu tư thấp hơn, trong một số trường hợp các sản phẩm này có thể đạt được giá trị thoái vốn cao hơn trong dài hạn nhờ việc duy trì bảo dưỡng giá trị tài sản tốt. Tuy nhiên, các sản phẩm này thường đạt được lợi nhuận hoạt động thấp hơn những sản phẩm đầu tư do ít chịu áp lực tạo ra doanh thu hằng ngày.
Người mua sản phẩm Ngôi nhà nghỉ dưỡng nên chọn sản phẩm theo sở thích cá nhân, cũng tương tự như khi lựa chọn mua nhà hoặc chung cư để ở. Họ có thể mua các căn cao cấp hoặc căn có diện tích lớn tùy theo sở thích và họ nên cân nhắc kỹ các quy định đối với Chủ sở hữu để đảm bảo giá trị dài hạn của sản phẩm và hạn chế việc sử dụng vượt năng suất hoạt động hằng ngày.
- Condotel đầu tư: Đối với những sản phẩm mang tính chất đầu tư nhiều hơn, Người mua thường vì giá trị thoái vốn và lợi nhuận từ hoạt động cho thuê.
Trong trường hợp này, Người mua cần xem xét kỹ định vị và thiết kế của dự án. Thông thường các sản phẩm có thể tạo ra lợi nhuận hoạt động tốt là các sản phẩm được thiết kế như một khách sạn. Các sản phẩm này lại không thuộc phân khúc hạng sang mà đa phần là các sản phẩm thuộc phân khúc trung cấp (midscale) với hoạt động vận hành hiệu quả, quy mô phòng và tiện ích vừa phải, đồng thời giới hạn việc sử dụng của các chủ căn hộ.
Những dự án có cơ cấu quản lý rõ ràng cũng là một ưu thế, cho dù được vận hành bởi nhà điều hành khu vực hay quốc tế. Số lượng phòng phải được tính toán kỹ theo điều kiện thị trường, những dự án có lượng phòng lớn sẽ cần lượng khách và nguồn khách đa dạng để đảm bảo hoạt động tốt.
Nếu sản phẩm có cam kết lợi nhuận, thì mức nào là "vừa miếng"?
Tiến sỹ Toán học Mai Huy Tân - nhà sáng lập xúc xích Đức Việt - đã bán công ty 700 tỷ đồng để dồn tiền đầu tư Cocobay vì tin vào cam kết lợi nhuận 12%/năm.
"Chúng tôi cho rằng mức cam kết lợi nhuận 4 – 6% là mức hợp lý để đảm bảo lợi nhuận cho thuê ổn định, trong trường hợp này Người mua vẫn được sử dụng một số ngày nghỉ miễn phí và có cơ hội tiềm năng đạt được lợi nhuận thoái vốn trong trung đến dài hạn, đặc biệt đối với sản phẩm ven biển", ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương nhận định.
Những dự án Condotel nào người mua nên "né"?
Thông thường, các dự án có sự nhất quán về chất lượng và định vị sẽ có hoạt động tốt hơn. Ngược lại, đối với những dự án không có mô hình và định vị rõ ràng mà cố gắng "ôm đồm" nhiều tiêu chí sẽ thường gặp khó khăn hơn trong quá trình hoạt động.
Một dự án Condotel tốt không nhất thiết phải là một dự án 5 sao, cần lưu ý rằng các dự án ở phân khúc này tại các địa điểm ven biển thường khó đạt được lợi nhuận cao hơn. Dự án tốt cần được chú trọng đến chi tiết, định vị và cơ cấu quản lý phù hợp.
Chủ đầu tư muốn đưa ra sản phẩm Condotel kèm cam kết lợi nhuận cần lưu ý gì?
Những chủ đầu tư chọn phát triển các sản phẩm kèm theo cam kết lợi nhuận cao cần phải hoạch định và tính toán trước các nguồn thu bổ sung trong dự án (ví dụ doanh thu từ hoạt động ăn uống hoặc lượng phòng bổ sung sở hữu bởi chủ đầu tư) để hỗ trợ việc chi trả cam kết lợi nhuận.
Với kinh nghiệm tư vấn một số dự án Condotel ở Việt Nam, Savills Hotels APAC thường tư vấn chủ đầu tư với nhiều mô hình kinh doanh và kịch bản dòng tiền khác nhau để đảm bảo việc kết hợp giữa các thành phần hỗ trợ hoạt động tương lai, đặc biệt là đối với những dự án phức hợp nghỉ dưỡng.
Trước câu chuyện "vỡ trận" cam kết lợi nhuận của Cocobay Đà Nẵng, Vietnamnet dẫn lời ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group, chủ đầu tư dự án - thừa nhận việc phá vỡ cam kết lợi nhuận là vi phạm hợp đồng mua bán. Trong các giải pháp Empire Group đưa ra, công ty cũng đề xuất thanh lý hợp đồng mua bán và nhận lại tiền mua condotel, liền kề khối boutique.
Ông Thành cho rằng, nếu thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền, khách hàng vẫn được đảm bảo quyền lợi hợp pháp, không mất và chưa thiệt hại gì. "Nếu khách hàng không chấp nhận, có thể kiện", đại diện chủ đầu tư nói.
Theo ông Thành, khách mua bất động sản tại Cocobay chưa thiệt hại gì bởi chủ đầu tư vẫn chi trả lợi nhuận cam kết với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. "Hiện còn lại một số năm 2019 chưa chi trả. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cam kết chi trả đầy đủ đến 31/12/2019", ông Thành khẳng định.
Từ vụ Cocobay Đà Nẵng, Shark Hưng chỉ cách "đầu tư Condotel không teo": Tất cả miếng ngon đều có nguy cơ mắc nghẹn! Muốn "chắc ăn" cứ tầm 19-21h ngồi trước công trình đếm đèn!