"Thế hệ 5X-6X may mắn mua được nhà đất giá rẻ chỉ vài trăm triệu, nhưng cái họ đánh đổi là nhiều thứ lắm. Đường xa mấy đi làm cũng chỉ có chiếc xe đạp lọc cọc mà thôi. Cơm thì ăn với mấy con tép khô và chút nước tương, nấu cơm bằng củi khói toét mắt, nóng thì quạt tay, tivi không có để giải trí, nói chi có điện thoại cục gạch. Khổ mãi cũng quen không than vãn, cứ từ từ tích cóp.
Rồi thế hệ 7X- 8X ở chung với cha mẹ nghèo cũng chẳng có gì nỗ lực học hành tìm đường mưu sinh. Bây giờ thế hệ 9X-10X hưởng thành quả của ông bà ,cha mẹ để lại có sẵn nhà đất dù ở quê hay thành phố được sống cuộc sống đầy đủ tiện nghi, được ăn học đầy đủ.
Thời nào cũng vậy đều có thuận lợi và khó khăn. Riêng về vấn đề nhà đất thì đúng là đang tăng một cách bất thường cả ở đô thị lớn và vùng ngoại xa như mấy cuộc đấu giá vừa qua, nó nghiêng về đầu cơ chứ cũng không hẳn là nhu cầu quá cao ở cái nơi thuần nông nghiệp như vậy.
Nhà đất trung tâm thì luôn là nơi thuận tiện để sống và làm việc nên nhu cầu lớn ắt giá phải cao. Giới trẻ thì luôn thích tiện nghi nên họ mơ nhà trung tâm cũng không có gì lạ, muốn có thì cũng phải cố gắng nỗ lực thôi.
Tuy nhiên mọi người cứ nghĩ giá nhà thành phố lớn cứ tăng mãi 30 năm nữa sao? Có lẽ bởi vì các bạn vẫn lấy cơ sở hạ tầng hiện tại để đánh giá cuộc sống sau vài chục năm nữa cũng chỉ thay đổi chút nên cho rằng đất vẫn cứ tăng không thể giảm được.
Ví dụ cách đây 20 năm mà bảo ngồi nhà ở bất cứ đâu cũng có thể kinh doanh kiếm tiền được khắp nơi trong nước, thậm chí ra nước ngoài thì chắc chẳng ai tin. Vậy mà bây giờ thương mại điện tử đã lan rộng phổ biến rồi không còn là mơ nữa.
Thương mại điện tử đã giết chết chợ truyền thống kể cả chợ đầu mối và nhà phố mặt tiền cũng không còn độc quyền được nữa. Ở các thành phố lớn tình trạng cửa hàng mặt phố lớn quận trung tâm khó cho thuê ngày càng tăng.Việc làm giảm, người lao động tự do vào thành phố sẽ giảm.
Ngược lại việc làm ở các tỉnh tăng lên nhờ mở rộng khu công nghiệp thu hút lao động trẻ.
Ở vùng nông thôn xa như Tây Nguyên, Tây Bắc, đồng bằng Nam Bộ, ven biển thì làm nông nghiệp theo hướng xuất khẩu như xuất trái cây, tiêu, cà phê, lúa gạo, thủy hải sản ngày càng tăng nên sẽ có nhiều việc làm giữ chân người lao động.
Nói tóm lại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi cách chúng ta làm việc hiệu quả mà không cần phải bám trụ thành phố lớn. Cùng với dân số giảm sẽ tạo ra một sự chuyển dịch việc làm từ thành phố về các tỉnh lân cận vì thế đất đai cũng sẽ giảm vì nhu cầu không còn nhiều nữa".
Độc giả nickname hongnhungpaticusi đưa ra phân tích và nhận định như trên, bảo vệ quan điểm rằng giá nhà ở các thành phố lớn sau 20-30 năm tới sẽ không còn tăng, thậm chí giảm do nông nghiệp ngày càng phát triển, đồng thời công nghệ và trí tuệ nhân tạo càng ngày phát triển, người trẻ không nhất thiết phải di cư lên phố tìm kiếm việc làm.
*Quan điểm của bạn thế nào?
VnExpress