Từ năm 2015, Công ty Cổ Phần Đầu Tư Anh Tuấn rao bán dự án Lotus Residence nằm trên đường Đào Trí (phường Phú Thuận, Quận 7, TP.HCM), doanh nghiệp này cam kết sau một năm sẽ bàn giao nền đất cho người dân.
Nhưng theo tìm hiểu được biết, đến năm năm 2017, UBND TP.HCM mới có Quyết định số 5570 chấp thuận cho Công ty Anh Tuấn sử dụng đất tại dự án khu dân cư Phú Thuận, phường Phú Thuận, Quận 7.
Lotus Residence được quảng cáo rộng 4.6 ha gồm 180 căn nhà phố quy hoạch đồng bộ, mật dộ xây dựng 40%, các tiện ích chiếm tới 60%....Dự án được các sàn giao dịch, trang mạng được rao bán vào năm 2015,2016 chủ đầu tư cam kết sau một năm sẽ bàn giao nền đất cho người dân xây dựng nhà ở.
Phối cảnh dự án. Ảnh: anhtuangroup
Nhiều khách hàng đã xuống tiền tại dự án, trong đó có những người đã thanh toán đến 95% và tiến hành xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, khi đang xây dựng nhà thì bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng thi công và kéo dài đến nay.
Theo ghi nhận của Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, hiện dự án Lotus Residence về cơ bản đã hoàn thiện xong hạ tầng. Bên trong khuôn viên dự án có một số ngôi nhà đang xây dựng dở dang, phía ngoài đường quây tôn rào chắn.
Dự án Lotus Residence hiện không được xây dựng, phải quây tôn nằm chờ. Ảnh: Sở hữu trí tuệ.
Trước vấn đề trên Công ty CP đầu tư Anh Tuấn (Công ty Anh Tuấn) đã có Thông báo số 20 gửi đến khách hàng về tiến độ thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai và kế hoạch khởi công dự án khu dân cư Phú Thuận, phường Phú Thuận, quận 7 (tên thương mại Lotus Residence).
Một số ngôi nhà đang xây dựng dở dang phải tạm dừng vì bị cơ quan chức năng 'tuýt còi'. Ảnh: Sở hữu trí tuệ
Theo Công ty Anh Tuấn, dự án vẫn chưa xác định số tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai. Cụ thể, đến tháng 2/2021 UBND quận 7 mới có văn bản gửi Công ty Anh Tuấn về việc xác định diện tích lúa, đất do Nhà nước trực tiếp quản lý thuộc dự án. Dự án vẫn trong giai đoạn xác định số tiền cần phải đóng cho việc bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước khi chuyển từ đất trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp; xác định số tiền cần phải đóng cho đất trường học, đất kênh rạch…
Công ty Anh Tuấn cho biết thêm dù công ty đã rất nỗ lực làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM để xử lý nội dung tách việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với khu đất trường học thành một hạng mục riêng để thuận tiện cho việc xác định nghĩa vụ tài chính của công ty với phần diện tích đất nhóm ở còn lại nhưng do dịch COVID-19 và giãn cách xã hội kéo dài nên công ty và Sở Tài nguyên Môi trường đều gặp khó khăn.
Đến tháng 10/2021, sau khi TP HCM cho phép cuộc sống trở lại bình thường mới, Công ty Anh Tuấn đã tích cực làm việc với Sở Tài nguyên Môi trường để đẩy nhanh tiến độ xác định tiền sử dụng đất cần phải thực hiện.
“Nếu được thành phố chấp thuận thì kế hoạch xây dựng là quý II/2022”, Công ty Anh Tuấn thông tin.
Thông tin trên VietNamNet, luật sư Trần Thái Bình, Công ty Luật LNT & Partners, cho biết căn cứ Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, dự án chung cư nợ tiền sử dụng đất thì không được phép bán căn hộ cho khách hàng. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm 3 điều kiện.
Trong đó có điều kiện: Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Mua nhà đất ở những dự án chưa đóng tiền sử dụng đất, khách hàng sẽ gặp nhiều rủi ro như: Không được cấp giấy chủ quyền dẫn đến khó mua bán, cầm cố... Ngoài ra, việc các chủ đầu tư vội vàng “bán lúa non”, khi chưa nộp tiền sử dụng đất, cũng cho thấy khả năng tài chính đang gặp vấn đề khó khăn.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng văn phòng luật sư Trường, để hạn chế rủi ro khi mua nhà, khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư “trưng” sổ đỏ, xem dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, đã đóng tiền sử dụng đất chưa. Bên cạnh đó, cần chọn những doanh nghiệp, nhà đầu tư uy tín để đảm bảo những cam kết về sau.