Đã có nhiều trường hợp "giàu trí tưởng bở", tận dụng chính sách bán hàng của CĐT để sử dụng đòn bảy tài chính, ôm cả chục căn, cả sàn..... Trong khuân khổ bài viết, tác giả có vài ý về vấn đề này.
Đòn bẩy tài chính, một thuật ngữ không xa lạ gì với giới đầu tư, đặc biệt giới đầu tư tài chính, bất động sản. Tuy nhiên sử dụng nó như thế nào, “bẩy” lên hay “bẩy” xuống luôn là sự trăn trở của các nhà đầu tư.
Lý thuyết và thực tế đều chứng minh rằng, chỉ có khoảng 5% tối đa là 10% người thành công khi sử dụng đòn bẩy tài chính. Thường thì, ngoài kiến thức uyên thâm trong lĩnh vực đầu tư, chuyên gia “ bẩy” phải có quan hệ tốt với ngân hàng, nhà cái, phải có “máu liều” và chút ít may mắn thì mới có thể thành công.
Để biến điều phức tạp trở thành điều bình thường và phổ cập, gần đây nhiều chủ đầu tư đã hào phóng và tự nguyện một cách vô điều kiện trao đòn bẩy cho nhà đầu tư tại rất nhiều các dự án trong nam, ngoài bắc, thành phố, ven đô, trên rừng dưới biển và vươn ra hải đảo.
Tính ma thuật của đòn bảy tài chính
Để hiểu rõ sức hấp dẫn và cách hoạt động của đòn bẩy tài chính trong đầu tư bất động sản, tôi đơn giản hóa nó bằng một ví dụ như sau:
Thông lệ, nếu anh có 4 tỷ, giá trị căn hộ cũng 4 tỷ, trả góp trong thời gian 12 tháng thì để ăn dày, kiếm nhiều thì anh phải “ôm” nhiều, giả sử để “ôm” được 10 căn, anh buộc phải sử dụng đòn bẩy tài chính tức là vay thêm 36 tỷ, giải ngân trong vòng 12 tháng theo tiến độ yêu cầu của chủ đầu tư. Vay 36 tỷ không hề đơn giản nếu anh không có lịch sử tài chính tốt, không có mối quan hệ cánh hẩu với ngân hàng và đặc biệt anh không có tài sản thế chấp khác ngoài 10 căn hộ (tài sản hình thành trong tương lai).
Giả định giá chung cư tăng 20%/năm và lãi vay tính trung bình cho tất các các lần giải ngân trong năm là 10% thì lãi thu được sẽ là (40 tỷ x 20%) – (36 tỷ x 10%) = 4,4 tỷ đồng. Sau khi trừ tiền môi giới anh lãi khoảng 4 tỷ đồng tương đương 100% hiệu suất vốn.
Có tăng thì cũng phải có giảm, trường hợp giảm 20% thì không đơn thuần là anh lỗ 8 tỷ. Sẽ vẫn được coi là may mắn nếu anh mất 4 tỷ tiền vốn và gánh thêm 4 tỷ tiền lãi vay của 36 tỷ tiền vay. Nhưng chẳng may thị trường vào “trend” đi xuống việc bán hàng không hề đơn giản thì khi đó không chỉ thổi bay mất số vốn 4 tỷ mà còn cõng thêm khoản nợ 36 tỷ với số tiền lãi mỗi năm 3,6 tỷ đồng (vì đơn giản hóa xin loại bỏ các nghiệp vụ tính lãi cụ thể của ngân hàng)
Chủ đầu tư tự nguyện giao đòn bảy tài chính cho người đầu tư
Rõ ràng là, sức mạnh của đòn bẩy tài chính là ghê gớm, vậy nên không phải ai cũng dám hay cũng thành công trong việc sử dụng công cụ đầy ma thuật này. Ngày nay đã khác, nhiều chủ đầu tư đã “khai sáng” cho rất nhiều khách hàng khi lẳng lặng dẫn dắt nhà đầu tư sử dụng đòn bảy tài chính mà không cần kiến thức, chẳng cần máu liều mà chỉ cần một ít vốn và lòng tham là đủ. Cụ thể là:
Với chính sách bán hàng vô cùng hấp dẫn hiện nay, khách hàng mua chung cư SolForest tại dự án EcoPark, Hưng Yên chỉ phải vào tiền 10% là được ký hợp đồng mua bán, ngân hàng cho vay tới 85% giá trị hợp đồng với lãi suất 0% trong suốt 24 tháng, trong 2 năm này, nếu bất ngờ có tiền, khách hàng có thể thanh toán mà không phải trả tiền lãi phạt…như vậy, với số vốn 4 tỷ như ví dụ trên, khách hàng có thể “ôm” ngay 10 căn hộ với tổng giá trị đầu tư lên tới 40 tỷ mà không phải lo trả lãi số tiền 34 tỷ (85% của 40 tỷ) mà ngân hàng đã “tốt bụng” cho vay tới 2 năm.
Với cách tính “bẩy” lên và “bẩy” xuống như trên, giả sử giá chung cư lên/xuống 20%/năm thì sau 2 năm thể kiếm được tới 16 tỷ đồng nếu “bẩy” lên hay thổi bay mất 4 tỷ tiền gốc và gánh thêm 12 tỷ tiễn lỗ do giá giảm với điều kiện bán được hết hàng.
Để tăng tính hấp dẫn của chương trình và để dẫn dụ khách hàng sử dụng đòn bảy tài chính, chủ đầu tư còn hào phóng tặng từ 5 cho tới 10 chỉ vàng (trừ vào giá bán) nếu khách hàng đặt cọc vào “ngày sự kiện” ngày 8/11/2020. Ngoài ra, việc đặt cọc với số tiền tối thiểu 50 triệu đồng/căn với thời gian giữ cọc tới hơn 3 tháng (tới ngày 5/3/2021) đồng thời Chủ đầu tư tung tiếp cú đấm bồi “thông báo tăng giá giá 3% tính từ 30/11/2020” không chỉ dẫn dụ, kích thích người mua mà hạ gục tất cả các khách hàng kể cả các nhân viên sales còn mải may nghi nghờ tính hiệu quả của chương trình đã nhanh chóng xuống tiền ôm hàng với một niềm tin vô cùng mãnh liệt rằng “chả lẽ trong 3 tháng mình không lướt được cọc”, “chả lẽ trong 2 năm mình không bán được hàng”…..
Câu chuyện đằng sau ở đây là, ngân hàng không phải là nhà từ thiện, họ là nhà buôn tiền, đồng tiền cho anh vay là tiền họ đi vay, huy động từ các nguồn và phải trả lãi mới cho nó. Rõ ràng là, Chủ đầu tư đã bỏ tiền của mình ra trả lãi cho anh vay, sao họ tốt quá vậy ? xin thưa, giống như diệu kế “cam kết lợi nhuận” nhiều chủ đầu tư đã và vẫn đang dùng, họ đã nâng giá lên để lấy chính phần “vênh” đó lên trả lợi nhuận cam kết hay trả thay tiền lãi cho khoảng vay tới 85% của khách hàng.
Với nhân viên bán hàng thì khá an toàn vì bỏ ra 50 triệu đồng/căn giữ chỗ, gặp khách thì xin được phần quà tặng, khách rắn thì ưu tiên thu hồi tiền cọc, tặng luôn cả quà tặng ít nhất được hoa hồng bán hàng và vẫn đạt chỉ tiêu bán hàng. Đối với người nhà đầu tư thì sao? rủi ro chực chờ vì rằng giá bán đã bị đẩy lên nên việc “bẩy” lên là khó khả thi trừ khi “chợ” thật tốt và vào “trend” tăng giá, hy vọng thị trường không tồi tệ và không giảm tới 40%/2 năm như ví dụ nêu trên cho dù thực tế nó đã từng sảy ra trong năm 2012 vừa qua.