Bạn ấy tiêu pha hợp lý: tiền trọ, ăn uống, vui chơi, mua sắm… rồi vẫn để ra được 5 triệu gửi tiết kiệm mỗi tháng. Một người trẻ biết lo xa, biết dành dụm, thật đáng khen.
Nhưng rồi tôi chợt chua xót. 5 triệu mỗi tháng, tức là 60 triệu mỗi năm. Cứ cho bạn ấy giữ vững nhịp sống này suốt 10 năm, thì cũng chỉ dành dụm được 600 triệu đồng. Một con số có vẻ lớn trên sổ tiết kiệm, nhưng lại quá nhỏ bé nếu đặt cạnh bảng giá bất động sản hiện nay.
Ở Hà Nội hay Sài Gòn, 600 triệu không mua nổi một căn hộ mini trong ngõ, càng không chạm được tới những dự án chung cư đang có giá thấp nhất cũng từ 2 – 3 tỷ đồng. Kể cả về quê, nơi mà người ta nghĩ giá đất còn “dễ thở”, thì một mảnh đất nhỏ ở ven đô, nơi hạ tầng dần phát triển, cũng không dưới tiền tỷ.
Vậy thì 20 năm nữa, khi bạn GenZ ấy chạm mốc 40 tuổi, vẫn đều đặn gửi tiết kiệm, không ốm đau, không tai nạn, không thất nghiệp, không lấy vợ/chồng, không sinh con – thì với 1,2 tỷ đồng, bạn vẫn không chắc mua nổi một căn hộ tử tế trong thành phố. Đó là chưa kể lạm phát, trượt giá, chi phí sống ngày càng đắt đỏ. Bức tranh này buồn, nhưng lại là hiện thực mà hàng triệu người trẻ đang đối mặt: làm cả đời cũng không mua nổi nhà.
Đây không đơn thuần là câu chuyện của một cá nhân, mà là bi kịch của cả một thế hệ. Một thế hệ sinh ra trong thời kỳ giá đất leo thang không kiểm soát, khi bất động sản trở thành kênh làm giàu “thần thánh” cho một bộ phận người đi trước.
Một thế hệ mà tích cóp bao nhiêu năm vẫn không thể theo kịp tốc độ tăng giá của thị trường, nơi người ta giàu lên không phải nhờ lao động mà nhờ sở hữu đất từ 10, 20 năm trước. Nhà đất từ nhu cầu sinh sống đã trở thành công cụ đầu cơ, tích trữ, trở thành tài sản truyền đời, đẩy người đến sau ra khỏi cuộc chơi.
Bất động sản ở Việt Nam không chỉ đắt, mà là phi lý. Phi lý đến mức một bạn trẻ có thu nhập gấp đôi, gấp ba trung bình quốc gia vẫn không với tới nổi một căn nhà. Phi lý đến mức mỗi mảnh đất, mỗi căn hộ như một vé số trúng độc đắc, chỉ cần có là giàu. Và chính sự phi lý này đang bóp nghẹt niềm tin vào tương lai của người trẻ, đang đẩy một bộ phận lớn dân số vào vòng luẩn quẩn: đi làm – thuê nhà – tiết kiệm – không đủ – tiếp tục thuê – tiếp tục đi làm… không lối thoát.
Chúng ta từng nói: “An cư lạc nghiệp”. Nhưng giờ đây, nhiều người trẻ hiểu ra rằng lạc nghiệp thì có thể, nhưng an cư thì là một giấc mơ quá xa xỉ.
Và giấc mơ ấy nếu không có một cuộc cải cách thật sự về chính sách nhà ở, đất đai, sẽ mãi mãi là giấc mơ.