Bản thiết kế đã duyệt, vật tư đã khảo giá từ đầu năm, thợ cũng đã hẹn ngày động thổ. Nhưng chỉ trong vòng hai tháng, bảng giá vật liệu xây dựng như một cổ phiếu nóng – tăng vùn vụt và không có dấu hiệu dừng lại.
Cát xây dựng mặt hàng tưởng chừng rẻ bất ngờ leo lên gần 1 triệu đồng mỗi mét khối. Giá thép tăng theo tuần, xi măng không có hàng dù tiền đã cầm sẵn. Mỗi lần liên hệ đại lý, anh Hòa lại nhận được một báo giá mới cao hơn lần trước cả triệu đồng. Toàn bộ dự toán bị đội thêm gần 300 triệu, buộc cả gia đình phải đưa ra quyết định khó khăn: hoặc xây cắt giảm bỏ tầng mái, lược bỏ sân sau, hoặc ngừng thi công, chờ “trời thương”.
Và họ chọn dừng. “Ngừng lại giữa chừng, thợ thì tiếc, vợ chồng thì hụt hẫng. Nhưng nếu cố đâm lao lúc này, có khi cuối năm không có tiền lắp cửa sổ chứ nói gì đến hoàn thiện,” anh Hòa kể.
Câu chuyện của anh không phải là cá biệt. Ở Hải Dương, chị Linh giáo viên cấp 2 mới làm xong phần móng căn nhà 2 tầng thì phải tạm ngưng. “Tôi tính chi phí cả phần thô khoảng 800 triệu, bây giờ chưa xong phần móng mà đã tiêu gần 500 triệu. Thợ đòi tăng công, gạch tăng 25%, bê tông tăng gần 40% – tôi sợ không kham nổi nên quyết định tạm dừng,” chị nói.
Theo dữ liệu từ một số nhà thầu xây dựng khu vực miền Bắc, chỉ trong quý II/2025, giá bê tông thương phẩm đã tăng hơn 35%, đá xây dựng tăng 20–50% tuỳ loại, cát vàng có nơi tăng gấp đôi so với đầu năm. Đặc biệt, những vật tư vốn phụ thuộc vào nguồn khai thác như đá xanh hay cát san lấp chịu ảnh hưởng kép từ việc khan hiếm mỏ khai thác (do vướng pháp lý) và cước vận chuyển tăng. Các dự án hạ tầng lớn cùng thi công như Vành đai 4, cao tốc Bắc – Nam đoạn qua miền Bắc cũng “hút” lượng vật liệu khổng lồ, đẩy người dân vào thế bị động, mua đắt không mặc cả nổi.
Cái khó nhất không chỉ nằm ở giá tăng, mà ở chỗ không biết khi nào mới “hạ nhiệt”. Đối với một gia đình làm công ăn lương, quyết định xây nhà không đơn thuần là chuyện thẩm mỹ hay công năng, mà là một phép tính đầy rủi ro giữa vốn sẵn có và tương lai bất định. Nhiều người chọn cách xây đến đâu hay đến đó, nhưng lại rơi vào cảnh “mỗi mét tường là một cơn đau ví”. Cũng có người chấp nhận vay thêm ngân hàng, nhưng sau vài tháng nhận ra chi phí đội quá lớn, không gánh nổi lãi, lại quay về điểm xuất phát với căn nhà dở dang.
Trong bối cảnh vật liệu “sốt giá” theo chu kỳ nhưng thiếu sự điều tiết ổn định, người dân càng cần thận trọng hơn khi quyết định thi công nhà ở. Các chuyên gia khuyến nghị nếu chưa thực sự cấp thiết, nên giãn tiến độ xây dựng sang thời điểm cuối năm khi thị trường vật liệu có xu hướng ổn định hơn. Và nếu buộc phải xây, phải chuẩn bị nguồn lực tài chính dư phòng ít nhất 15–20% so với dự toán ban đầu. Việc chọn nhà thầu minh bạch, kinh nghiệm, đặc biệt là có phương án thiết kế tiết kiệm vật tư, tối ưu diện tích sử dụng sẽ giúp hạn chế phần nào cú “sốc ngân sách” giữa đường.
Xây nhà là giấc mơ lớn trong đời nhiều người. Nhưng trong thời điểm thị trường đầy biến động như hiện nay, đôi khi sự chờ đợi dù đau vẫn là cách để bảo toàn được giấc mơ. Vì một ngôi nhà dở dang không chỉ là tổ ấm chưa trọn vẹn, mà còn là gánh nặng kéo dài trong tâm trí của những người đã bỏ vào đó cả vốn liếng, niềm tin và kỳ vọng.
Với những bác đang có ý định xây nhà, nếu có thể hãy giãn tiến độ thi công đến mùa thấp điểm cuối năm. Và cần chuẩn bị kỹ dự toán tài chính dư ra ít nhất 15–20%, tránh lâm vào cảnh “đứt gánh giữa đường”. Bên cạnh đó là cần lựa chọn nhà thầu minh bạch, kinh nghiệm, ưu tiên thiết kế tối ưu diện tích sử dụng, tránh lãng phí vật tư.