" Hai vợ chồng dành dụm hơn 10 năm mới mua được 1 căn nhà thì đúng thời điểm anh ruột bên vợ phá sản cần mượn số tiền đó (khoảng 3tỷ) .Cho mượn thì coi như 50% hơn là mất số tiền cho mượn, vợ chồng con cái tiếp tục ở trọ…Không cho thì bị bên nhà vợ nói không có tình nghĩa, bị oán trách, day dứt không giúp đỡ được người thân…
Tối qua thì vợ em bảo với em là giúp đỡ người ta đi để tạo phước biết đâu mình nhận được nhiều hơn. Em nghe là hiểu ý vợ mình muốn cho nguời nhà mượn tiền rồi. Em kh phải ích kỉ nhưng xót con mình thôi…Vì chuyện này mà tối qua giờ 2 vợ chồng ko nhìn mặt nhau 😔"
Ban hỏi tôi: “Giờ mình nên làm gì mới đúng".
Tôi trả lời anh rất rõ: “Đây không còn là câu hỏi về lòng tốt, mà là bài toán của trách nhiệm.”
Ba tỷ không phải là một khoản tiền nhàn rỗi. Nó là mồ hôi, nước mắt của hơn mười năm làm việc, tiết kiệm, tằn tiện, hy sinh từ những bữa ăn đến những giấc ngủ. Nó là ước mơ có một mái nhà tử tế cho con, là sự ổn định mà gia đình đã đợi từ rất lâu.
Nếu cho vay và mất, cái mất không chỉ là tiền mà là niềm tin, là sự ổn định, là cả một tương lai bị xô lệch.
Người cần vay thì đang ở thế yếu. Và thực tế là: rất ít người phá sản có thể trả lại đầy đủ khoản vay, đặc biệt khi khoản vay đó không có ràng buộc pháp lý rõ ràng
Tôi đề xuất với anh bạn ba hướng đi:
1. Không cho vay toàn bộ chỉ giúp trong khả năng
Giúp một phần nhỏ 100 đến 200 triệu đồng để thể hiện thiện chí và tình nghĩa. Số còn lại, giữ để hoàn tất việc mua nhà. Đây là cách vẹn tình mà không mất lý.
2. Nếu muốn cho vay thêm, phải có ràng buộc pháp lý rõ ràng
Hợp đồng vay mượn, thời hạn trả nợ, nếu có thể thì yêu cầu tài sản đảm bảo. Không phải vì thiếu niềm tin, mà để tránh những hiểu lầm và mâu thuẫn sau này, nhất là khi tiền bạc thường làm rạn nứt quan hệ gia đình nhanh hơn bất cứ điều gì khác.
3. Cố định số tiền mua nhà càng sớm càng tốt
Nếu đã tìm được nhà, nên đặt cọc, ký hợp đồng, sang tên, chuyển tiền vào tài khoản trung gian… để số tiền không còn “lỏng lẻo”, khó từ chối khi ai đó muốn vay. Làm như vậy cũng dễ thuyết phục vợ và nhà bên ngoại rằng: tiền đã “vào cuộc”, không thể rút lại.
Tôi chốt với anh bạn một câu:
“Căn nhà này không chỉ là chỗ ở – nó là nền tảng của tương lai con cái anh. Giúp người khác là tốt, nhưng nếu vì thế mà mất đi chốn để trở về, thì cái ‘phước’ đó có khi biến thành ‘họa’.”
Gia đình mình là ưu tiên đầu tiên. Những người thật sự hiểu và yêu thương anh sẽ không vì một lời từ chối mà trách móc cả đời. Nhưng nếu vì chiều theo sự trách móc đó mà đánh đổi tất cả, thì có khi người day dứt nhất lại là chính anh – khi nhìn vợ con sống bấp bênh chỉ vì một quyết định cảm tính.
Tiền có thể kiếm lại. Nhưng căn nhà đầu tiên – giấc mơ sau 10 năm có thể chỉ đến một lần trong đời.
Các bạn thấy phương án xử lý như vậy đã ổn thoả chưa cùng chia sẻ với mình nhé!