Đây là cái mác để chỉ những căn nhà mà giá bán được cho là vượt quá giá trị thực tế, thường khiến khách mua cảm thấy bất hợp lý. Nhưng liệu mọi căn nhà bị gắn mác “ngáo giá” có thực sự như vậy? Hay đây chỉ là sự khác biệt trong nhận thức giữa người bán và người mua về giá trị của một tài sản? Anh chị em trong cộng đồng hãy cùng đọc qua bài nhận định sau đây để có một cách giải thích khác về khía cạnh mới sự nhận định "nhà ngáo giá".
1. THẾ NÀO LÀ NHÀ “NGÁO GIÁ”
“Nhà ngáo giá” là cách nói để chỉ những căn nhà mà giá chào bán ban đầu cao hơn nhiều so với giá trị thực tế mà thị trường có thể chấp nhận khi:
- Chủ nhà có kỳ vọng quá cao về giá trị bất động sản của mình “ngáo giá lòi”
- Khách mua có nhận thức chưa rõ ràng về giá trị thị trường “tiền ít mà muốn hít dầu thơm”
Vấn đề cái gọi là “ngáo giá” lại hay đến từ cả hai phía chủ nhà và khách mua, do sự khác biệt lớn trong góc nhìn và mong đợi.
2. CHỦ NHÀ VÀ KỲ VỌNG GIÁ CAO LÀ TÂM LÝ RẤT PHỔ BIẾN
Khi chủ nhà quyết định bán bất động sản, đa phần họ sẽ tham khảo giá cao nhất trong khu vực rồi cộng thêm một khoản để "dự phòng thương lượng." Đây là chuyện rất bình thường, vì ai cũng muốn bán được giá tốt nhất. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ nhà mình đặc biệt hơn so với những căn khác như nền nhà dát vàng, long mạch dưới đất, nên giá càng cao càng hợp lý.
Tuy nhiên, thực tế thị trường không như kỳ vọng. Sau một thời gian rao bán, nếu không có ai quan tâm hoặc giá trả quá thấp, chủ nhà mới dần ngộ ra giá mình đưa ra ban đầu có phần "ngáo." Lúc này, họ sẽ tự động điều chỉnh giá về mức hợp lý hơn.
3. KHÁCH MUA CŨNG BỊ "NGÁO" Ở THỜI ĐIỂM ĐẦU
Ở chiều ngược lại, những khách mới tinh bắt đầu tìm nhà thường kỳ vọng rất cao so với số tiền họ có. Họ muốn nhà đẹp, vị trí tốt, thiết kế hiện đại nhưng ngân sách lại quá “hìu”. Điều này dẫn đến việc đi xem nhà mà đâu đâu cũng thấy "giá cao", và họ phán ngay "ngáo giá" cho những căn nhà vượt quá tầm tiền của mình.
Sau một thời gian tìm hiểu, khách mua mới dần nhận ra: để có nhà đẹp, họ phải tăng ngân sách ví tiền hoặc giảm tiêu chí mong đợi. Khi hiểu rõ giá trị thị trường, tâm lý khách hàng cũng sẽ thay đổi, và nhận ra à… thị trường giờ là như vậy đấy!
4. GIẢM GIÁ KHÔNG PHẢI VÌ ÉP GIÁ
Nhiều người cho rằng việc họ đồng loạt nhắn tin trả giá thấp khiến chủ nhà phải giảm giá. Thực tế có vào mắt ý, giá giảm là kết quả tự nhiên của quá trình điều chỉnh theo phản hồi từ thị trường. Chủ nhà thấy ít khách quan tâm, họ mới buộc phải hạ giá để phù hợp hơn với thực tế.
Nhiều anh chị em bảo vào comment trả giá thấp 1 nửa hóa ra để cho môi giới đọc chứ chủ nhà có đọc đâu, đúng là làm chuyện thừa thãi…
5. KẾT LUẬN
"Nhà ngáo giá" chỉ là một thuật ngữ phản ánh sự chênh lệch về nhận thức giữa chủ nhà và khách mua. Theo thời gian, cả hai bên đều sẽ tự điều chỉnh để giao dịch diễn ra thuận lợi hơn. Vì vậy, thay vì quá gay gắt, hãy kiên nhẫn và tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra bất kỳ đánh giá nào. Ai rồi cũng sẽ "giác ngộ" thôi!
Cre: Vũ Ngọc Hải