Trường hợp cư dân xuống đường phản đối hy hữu nhất tại Hà Nội
Trong một tháng gần đây, tại Hà Nội liên tục xuất hiện tình trạng người dân đang sống tại các tòa chung cư thương mại treo băng rôn, hoặc xuống đường phản đối chủ đầu tư không thực hiện như đúng cam kết.
Có rất nhiều lý do khiến người dân bất mãn với chủ đầu tư. Đơn cử như dự án đã hoạt động được 7 năm, nhưng cư dân vẫn chưa được cấp sổ hồng. Có trường hợp người dân và chủ đầu tư tranh chấp phí bảo trì tòa nhà, hoặc tranh cãi mức thu phí gửi xe ô tô quá cao;...
Người dân Dreamland Bonanza, xuống đường phản đối chủ đầu tư.
Mặc dù có nhiều nguyên dân dẫn đến việc người dân xuống đường phản đối chủ đầu tư, tuy nhiên trường hợp của Dreamland Bonanza là cá biệt và hy hữu nhất.
Theo ghi nhận, khi quảng bá, giới thiệu về dự án và cả trong hợp đồng mua bán, chủ đầu tư khẳng định chung cư này có vị trí tại 23 Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Tuy nhiên sau khi nhận nhà, cư dân đến làm thủ tục đăng ký tạm trú, chuyển khẩu... thì lại được hướng dẫn sang quận Nam Từ Liêm vì tòa nhà này không thuộc quận Cầu Giấy. Điều này cũng làm ảnh hưởng đến việc cư dân đi xin nhập học cho con tại quận Cầu Giấy.
Bên cạnh đó, cư dân tại Dreamland Bonanza cũng phản ánh việc họ đã phải đóng 100% giá trị căn hộ nhưng đã gần 1 năm qua chủ đầu tư dự án vẫn chưa tiến hành hội nghị nhà chung và thành lập ban quản trị tòa nhà. Chủ đầu tư dự án đến nay cũng chưa bàn giao sổ hồng dù cho người dân tại đây dù đã bàn giao căn hộ gần 1 năm (từ tháng 4/2020).
Kèm theo đó, cư dân cũng phản ánh hàng loạt vấn đề về việc diện tích của căn hộ không đúng với thực tế, phí dịch vụ quá cao...
Được biết, dự án dự án Dreamland Bonanza được xây dựng trên khu đất có diện tích 4.331m2, diện tích xây dựng khoảng 2.165m2, đất cây xanh và công trình công cộng là 2.166m2 do Vinaland làm chủ đầu tư.
Khi người mua nhà không phải là “thượng đế”
Trước đó đúng 1 tuần, cư dân chung cư Capital Garden tại 102 Trường Chinh (quận Đống Đa) xuống đường, dán băng rôn phủ kín ô tô diễu hành qua các tuyến phố Hà Nội để phản đối chủ đầu tư, sau 5 năm vẫn chưa nghiệm thu được phòng cháy chữa cháy, để tiến hành cấp sổ hồng cho cư dân.
Dự án 102 Trường Chinh bị cư dân phản đối.
Được biết, lý do khiến dự án chung cư Capital Garden không thể nghiệm thu được PCCC là do chủ đầu tư đã thay đổi kết cấu dự án. Theo đó, dự án được thiết kế xây dựng gồm 21 tầng, bao gồm 1 tầng cây xanh và 2 tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, khi bàn giao căn hộ cho khách hàng, tầng thương mại (theo thiết kế quy hoạch) được bố trí ở tầng 2A (tức tầng 3 thang máy) đã bị chuyển đổi thành sàn căn hộ ở để bán. Tầng kỹ thuật 1 (theo thiết kế phê duyệt) được bố trí ở tầng 2 (thang máy đánh số là tầng 4) cũng hóa thành các căn hộ thương mại. Được biết, chủ đầu tư của dự án này là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô.
Tương tự, tại dự án Hòa Bình Green City, tại 505 Minh Khai cũng xuất hiện tình trạng người dân treo băng rôn, đi diễu hành khắp các nẻo đường Hà Nội để phản đối chủ đầu tư, công ty Hòa Bình “ôm” quỹ bảo trì, người dân sống gần 7 năm ròng nhưng vẫn không được cấp sổ hồng.
Một số dự án khác như D’Capitale Trần Duy Hưng; The Vesta (Hà Đông), chủ đầu tư là Công ty CP đầu tư Hải Phát; Gamuda Land (Hoàng Mai), chủ đầu tư là Công ty Gamuda Việt Nam;... cũng xuất hiện tình trạng này.
Tình trạng người dân xuống đường, phản đối chủ đầu tư bội tín, không thực hiện đúng cam kết, không chỉ xuất hiện tại Hà Nội, mà còn xuất hiện rất nhiều tại TP.HCM.
Một trường hợp khác tại TP.HCM.
Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, có 2 trường hợp buộc người dân phải xuống đường phản đối chủ đầu tư. Trường hợp thứ nhất, là chủ đầu tư cố tình tránh né, trả lời hoặc giải quyết những bức xúc của người dân.
Trường hợp thứ hai là việc chủ đầu tư không tránh né, nhưng nhiều năm vẫn chưa giải quyết được tranh chấp. Trong đó, phần lớn lý do là việc chủ đầu tư chưa thể hoàn thành các thủ tục cần thiết, để trả sổ hồng cho cư dân.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đánh giá, việc người dân xuống đường phản đối chủ đầu tư đã là chuyện phổ biến với tần suất xuất hiện liên tục. Điều này thể hiện rằng, người mua nhà, cư dân đã không còn là “thượng đế”.
“Lý do khiến người dân xuống đường, vừa là tạo ra sức ép cho chủ đầu tư, vừa là để đánh động tới cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm trả lại quyền lợi cho họ. Việc làm này dù chẳng có người dân nào muốn, nhưng bắt buộc phải làm khi không thể động thuận với cách giải quyết của chủ đầu tư”, vị này cho biết.
Theo Nhà báo và Công luận
https://congluan.vn/nguoi-dan-xuong-duong-phan-doi-chu-dau-tu-khi-khach-hang-chang-con-la-thuong-de-post124694.html