Câu chuyện về một bà chủ vận hành một số khách sạn tại Quận 1, TP.HCM được thành viên Thái Hòa chia sẻ trên Group Cộng đồng bất đồng sản là một minh chứng điển hình.
Theo chia sẻ, tình hình hiện tại của các khách sạn là khách nước ngoài không có, khách trong nước đi du lịch cũng không, khách kinh doanh cũng giảm rất nhiều, giờ chỉ có một số khách vãng lai.
Giá phòng dù đã giảm bằng 1/2 so với trước Covid nhưng cũng rất vắng khách, tất cả các khách sạn đều giảm giá để kéo khách mà tổng lượng khách cũng không đổi, khách vẫn ít. Thậm chí, những ai không hạ giá thì còn không có khách luôn.
Hiện rất nhiều các khách sạn tại TP HCM được vận hành bởi các công ty quản lý khách sạn chuyên nghiệp, họ thuê khách sạn dài hạn (5-7 năm) rồi tự vận hành. Tình hình dịch kéo dài, chủ khách sạn thường giảm giá thuê cho đơn vị vận hành, nhưng một số chủ khách sạn vay tiền ngân hàng thì việc giảm giá cũng rất khó khăn.
Mặc dù giá thuê khách sạn đã được giảm nhưng do lượng khách ít nên các đơn vị vận hành khách sạn vẫn thua lỗ rất nhiều, bà chủ cười méo mó. Nhiều biện pháp giảm chi phí được đặt ra:
- Chỉ vận hành một số tầng, ví dụ khách sạn có 7 lầu thì chỉ vận hành 3 lầu, 4 tầng còn lại tắt điện, khóa thang máy để giảm chi phí
- Giảm lương nhân viên, ông bà chủ phải trực khách sạn thay vì thuê nhân viên như trước kia. Tuy nhiên thua lỗ vẫn rất lớn, từ ông bà chủ giờ trở thành những con nợ, cố gắng nỗ lực mà vẫn thua lỗ hàng tháng.
- Chuyển nhượng hợp đồng thuê khách cũng không ai nhận chuyển nhượng, đành phải cố bù lỗ chờ tới khi hết dịch covid . Nhiều chủ khách sạn thua lỗ chịu không nổi cũng phải rao bán khách sạn với giá rẻ hơn 20-30% so với trước dịch.
Có thể thấy, dịch bệnh kéo dài tổn thất là điều không thể tránh khỏi. Theo báo cáo về tiềm năng khôi phục của thị trường nghỉ dưỡng Việt Nam do Savills công bố hồi cuối tháng 12/2020 cho thấy dịch Covid-19 tiếp tục khiến ngành khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương lao dốc, cả doanh thu và công suất thuê phòng đều giảm mạnh.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, tình hình hoạt động của các khách sạn tại Việt Nam sụt giảm nhiều so với khu vực, doanh thu phòng giảm hơn 2/3 so với năm trước. Chỉ số ADR (giá trung bình mỗi phòng) đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ và so với đầu năm, chỉ số này đã giảm gần 40%.
Sự giảm sút về lượng khách và doanh thu đã khiến cho nhiều chủ đầu tư rao bán khách sạn như: Khách sạn 5 sao Grand Vista Hà Nội (Hà Nội) được rao bán 950 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Pullman Saigon Centre (TP Hồ Chí Minh)...
Tuy nhiên, thay vì bị động hứng chịu những hậu quả mà dịch bệnh toàn cầu COVID-19 mang lại, các khách sạn cần có chiến lược thay đổi để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.
Vậy các khách sạn cần làm gì để thích nghi với dịch? Người viết xin chia sẻ ở bài viết tiếp theo.
Hy vọng mọi hoạt động kinh doanh sẽ quay trở lại sau khi dịch covid đã được khống chế cơ bản trên thế giới, có thể khoảng vào Qúy 2 2022.