Dự án King Palce tọa lạc tại số 108 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được quảng cáo là dự án “nóng” nhất khu vực Thanh Xuân và Đống Đa dịp cuối năm, sẽ làm nên cơn sốt cho thị trường bất động sản. Ưu điểm nổi bật mà các nhà môi giới đưa ra là dự án sở hữu một vị trí vàng, nằm trên trục đường Nguyễn Trãi – trục đường xuyên tâm của Thủ đô, phát triển, được quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ của Thủ đô Hà Nội.
Từ dự án, cư dân có thể dễ dàng tiếp cận các tiện ích, dịch vụ xã hội sẵn có về trường học, bệnh viện, siêu thị, đường giao thông huyết mạch nối vào trung tâm thành phố,…
Tuy nhiên, thực tế tuyến đường Nguyễn Trãi lại trở thành nổi ám ảnh của những người dân thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này vì tình trạng ùn tắc.
Nguyễn Trãi là một trong những điểm đen tắc đường của thủ đô Hà Nội.
“Chỉ còn gần 1km nữa thôi là về đến nhà, vậy mà mình chôn chân ở chỗ ùn tắc này hơn 1 giờ rồi, chưa biết đến khi nào mới thoát?” là một trong những câu chuyện cười ra nước mắt của bạn bè tôi những khi cùng "chìm" trong dòng phương tiện tại điểm đen về ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội: Nguyễn Trãi - Trường Chinh.
Hơn 5 năm sau khi ra trường, ông bạn tôi “tậu” được một căn chung cư mới toanh trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân). Nỗi ám ảnh thường trực của anh ta có lẽ cũng là nỗi “thống khổ” của nhiều người dân đang hằng ngày đi lại tại đây là: Ùn tắc giao thông.
Để vượt qua quãng đường hơn 7km từ nhà tới công ty đúng giờ chấm công, mỗi ngày anh phải rời nhà từ 6h30 sáng và trở về nhà buổi tối khi vợ mệt mỏi vì chờ chồng về ăn cơm và cậu con trai hơn 2 tuổi đã ngủ gật. Không ít lần, anh phải “nếm” cảm giác đói lả sau tay lái, nhìn thấy nhà mình nhưng phải đứng chôn chân, nhích từng centimet giữa biển người với những luồng giao thông xung đột tưởng chừng không có lối thoát.
Một câu chuyện khác về Mai - một trong những đứa thành đạt nhất trong nhóm bạn của tôi. Ra trường nó làm tiếp thị rồi làm truyền thông. Cho đến khi lương tháng ổn định ngót nghét 20 triệu đồng, nó quyết định về nhà chồng, vợ chồng trẻ được bố mẹ sắm cho căn nhỏ ở Thanh Xuân.
Và quãng đường di chuyển đến công sở của hai vợ chồng là cả một chuỗi cực hình giao thông.Nhiều hôm, Google Map báo tắc đường đỏ lừ cả màn hình. Công sở điểm danh bằng vân tay. Hai vợ chồng bị phạt, bị trừ lương liên tục vì đi làm muộn.
Nó tâm sự: Tan làm là phải đón con tan học, từ đường Nguyễn Trãi ra Trường Chinh rồi lại đi qua nút giao thông đường Láng - Lê Văn Lương thường xuyên tắc đường, nhất là những hôm mưa to hai mẹ con về nhà ướt từ đầu đến chân. Mình thì không sao nhưng nhìn con mà xót.
Những lo ngại về một tương lai không xa tuyến đường Nguyễn Trãi rơi vào tình trạng quá tải là có cơ sở. Theo một thống kê chưa đầy đủ của Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia mới đây, tại địa bàn các quận huyện phía Tây thành phố Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Từ Liêm có hơn 100 dự án nhà chung cư cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng.
Dọc theo tuyến đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Trãi kéo dài từ lô đất đang xây dựng dự án King Palace đến địa phận Trần Phú (Hà Đông) đã có đến hàng chục tòa nhà cao tầng, khu đô thị đã và đang mọc lên. Hàng ngày lượng cư dân từ khu vực Hà Đông, cư dân tại các tòa nhà cao tầng, khu dân cư dọc tuyến Nguyễn Trãi đổ vào trung tâm nội thành nên dự án sẽ phải thường xuyên "gánh" cảnh ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài.
Đồng thời, vị trí của dự án King Palace còn là điểm giao thoa của các tuyến phố chính như: Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Ngã Tư Sở, Láng Hạ, Láng, nên vào các khung giờ cao điểm ùn tắc bao quanh dự án King Palace là điều dễ nhận thấy.
Có thể thấy, những câu chuyện buồn, tình huống khó xử lý, tâm trạng mệt mỏi luôn thường trực với mỗi người dân khi ra đường bị nhấn “chìm” trong dòng phương tiện tại các điểm ùn tắc giao thông. Câu hỏi chung của mỗi người khi tham gia giao thông lúc này đều chung nhau: Bao giờ thì mới hết khổ do tắc đường?
Như tác giả Nguyễn Đỗ Việt đã từng chia sẻ trên Người mua nhà: Chẳng phải covid mà chính tắc đường làm cho nhiều người vỡ mộng khi mua, đầu tư nhà mặt phố, shophouse mặt phố đặc biệt các tuyến đường “ đi nhanh” đường trục chính ví như : đường giải phóng, đường Nguyễn Trãi, Võ Chí công ... vì đến xe máy còn phải luồn lách phi lên vỉa hè thì ai dám dừng, mở cửa xe để mua hàng, mua đồ ... hay loay hoay tìm chỗ đỗ xe để rồi quay lại cửa hàng khi mồ hôi đã ướt áo....