Bà Cao Thị Thanh Hương, Quản lý cấp cao Bộ phận Nghiên cứu tại Savills Việt Nam, chia sẻ rằng việc sáp nhập các đơn vị hành chính, một trong những thay đổi được kỳ vọng sẽ tạo sóng cho thị trường, thực tế vẫn… chưa làm được gì nhiều. Bản đồ có thể đã đổi, tên phường tên quận có thể hơi lạ tai một chút, nhưng giá nhà thì vẫn vậy, chẳng “cảm xúc” gì mấy trước sự thay đổi ấy.
Giá sơ cấp tại TP.HCM vẫn đứng ở mức tầm 90 triệu đồng/m², một con số nghe xong chỉ có thể thở dài. Còn các khu vực lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thì “dễ chịu” hơn, dao động quanh 40 triệu đồng/m². Nhưng sự chênh lệch ấy cũng chỉ mang tính lý thuyết, vì thực tế mỗi nơi mỗi kiểu, không ai giảm giá, chỉ có trung bình khu vực là “trôi nhẹ” vì… toán học.
2025: Một năm “chuyển tiếp kép”, và thị trường thì… chờ luôn cả hai lần
Điểm đáng nói là năm nay được xem là thời điểm “chuyển tiếp kép”: vừa là năm đầu tiên sau khi sáp nhập hành chính, lại vừa là năm cuối nhiệm kỳ của bộ máy chính quyền địa phương. Tức là bộ máy thì đang “dọn dẹp bàn giấy”, tổ chức lại nhân sự, phân quyền, xử lý hồ sơ; còn thị trường thì ngồi uống trà, hóng xem khi nào xong để còn tính tiếp.
Kết quả là, người bán thì lắc đầu “chưa phải lúc”, người mua thì nhún vai “để xem đã”, môi giới thì đi làm đủ thứ.
Một thị trường chưa chịu “bung”, vì ai cũng… thủ
Mọi bên đều thận trọng, nhà đầu tư không mạnh tay mua vào, doanh nghiệp cũng không vội mở bán. Cả bên bán và bên mua đều phòng thủ, bà Hương nói.
Dĩ nhiên, phòng thủ cũng có cái lý của nó. Người mua sợ mua xong bị kẹp hàng, doanh nghiệp sợ bung hàng xong không có ai mua. Vậy là cứ nhìn nhau thận trọng, như thể ai ra tay trước thì… mất lợi thế.
Bất động sản năm 2025 giống như một buổi họp lớp mà mọi người đến đủ nhưng không ai chịu bắt chuyện trước. Ai cũng mang theo câu hỏi trong đầu: “Bây giờ có nên mua/bán không?”, nhưng chưa kịp hỏi thì đã thấy người bên cạnh… cũng im lặng y chang.
Chừng nào chưa có cú hích rõ ràng về chính sách, pháp lý hoặc một đợt tăng giá ngoạn mục nào đó, thì thị trường vẫn còn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ở chế độ “phòng ngự phản công”… mà chủ yếu là phòng thôi, còn công thì để dịp khác.