Tuy nhiên, sự hồi phục đó, theo đúng “tính cách” của thị trường nhà đất vẫn có phần… thận trọng, dè chừng và không thiếu những pha tung chiêu “gây lú” từ phía chủ đầu tư.
Tại buổi công bố Báo cáo Tổng quan thị trường BĐS Hà Nội do Savills tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, đã chỉ một “chiêu trò” khá phổ biến thời gian qua: Chiêu tung giá rumor (tin đồn giá) để dò phản ứng khách hàng.
Chủ đầu tư giờ cũng “khôn ra nhiều”:
Không vội ra giá thật, cứ tung giá đồn trước đã!
Trong bối cảnh các quỹ đất đẹp tại Hà Nội, đặc biệt là trong vành đai 3 trở vào, đang ngày càng hiếm hoi như… người yêu cũ tử tế, các chủ đầu tư nắm trong tay những vị trí vàng đều là những tay “lão làng” trên thương trường. Thay vì rao bán ào ào như những năm “sốt đất”, họ bây giờ cẩn trọng và chiến lược hơn: chơi bài thăm dò.
Chiến thuật quen thuộc là tung ra mức giá “rumor” – ví dụ như “nghe đâu dự án A giá tầm 120–130 triệu/m² đó nha”, hoặc “có người bảo rằng chủ đầu tư B sắp bung bảng hàng giá 140 triệu/m²”… Nói chung, mọi thứ đều chỉ dừng ở mức “nghe nói”, “dự kiến”, “tạm tính”. Thực tế là chẳng ai đưa ra bảng giá chính thức cả.
Và trong khi thị trường còn đang hoang mang, rón rén tính toán với cái mức giá nghe mà muốn xỉu ngang, thì các chủ đầu tư… ngồi đếm like, đo tương tác, nhìn biểu đồ quan tâm, giống như livestream mà canh từng comment.
Nếu khách quan tâm đông, thì “ủa vậy chắc giá này cũng ổn ha”, chủ đầu tư tự tin giữ giá hoặc tăng thêm chút. Còn nếu thị trường phản ứng lạnh nhạt kiểu: “Gì cơ? 130 triệu/m² ở khu đó á? Thôi đi về ngủ tiếp”, thì lập tức điều chỉnh giá lại đôi chút để “hợp lý hơn”.
Kịch bản quen thuộc: Từ đồn đoán hừng hực đến… ngậm ngùi khớp căn
Theo bà Hằng, giá khớp căn trong vài năm trước chỉ loanh quanh 65–80 triệu đồng/m². Nhưng đến nay, có dự án đã nâng lên mức 100–140 triệu đồng/m² – một cú “nhảy vọt” khiến không ít người mua nhà cảm thấy mình như đang chơi chứng khoán cao cấp. Tuy nhiên, khác với chứng khoán, nhà đất không dễ “chốt lời” nhanh như mong muốn.
Thực tế cho thấy, sau màn “gây sốt” ban đầu với mức giá rumor đỉnh chóp, nhiều dự án buộc phải âm thầm hạ giá, giãn tiến độ bán hàng hoặc chiết khấu linh hoạt, vì lượng khách không mặn mà như kỳ vọng. Đơn giản là vì khách hàng ngày nay đã tỉnh táo hơn rất nhiều, không còn dễ bị cuốn vào “bẫy truyền thông giá” như trước.
Khách hàng đâu còn ngây thơ!
Người mua hiện giờ không chỉ quan tâm đến giá bán, mà còn hỏi hàng loạt thứ đi kèm:
- Có sổ chưa?
- Dự án xây tới đâu rồi?
- Chủ đầu tư có uy tín không?
- Giá này đã gồm VAT, phí bảo trì, nội thất chưa?
- Thanh toán linh hoạt hay phải nộp một cục?
Nghĩa là, thị trường không còn là sân chơi một chiều như trước. Giá không chỉ là con số, mà là “giao kèo tâm lý” giữa bên bán và bên mua.
Giá rumor, tưởng là cao tay, nhưng nếu thăm dò không đúng lúc, cũng dễ thành phản tác dụng. Thị trường giờ đã không còn là nơi dễ “bắt nạt” người mua bằng tin đồn. Để bán được hàng, không chỉ cần vị trí đẹp, thiết kế xịn, mà còn phải biết lắng nghe… thị trường thật.