1. Người tiêu dùng BĐS thích bất động sản, nhưng… không thích nắm giữ lâu: Một khảo sát gần đây do Batdongsan thực hiện với hơn 1.000 người có nhu cầu tìm kiếm bất động sản cho thấy:
• 59% người tham gia khảo sát mua bất động sản chủ yếu với mục đích đầu tư thay vì để ở;
• Một tỷ lệ lớn người đang sở hữu bất động sản có ý định bán trong vòng 1 năm tới.
Điều này phản ánh 2 thực tế quan trọng: người Việt rất thích đầu tư vào bất động sản, nhưng thời gian nắm giữ lại ngắn, có xu hướng “bán khi được giá”, linh hoạt dịch chuyển dòng vốn sang các tài sản khác có lợi hơn trong từng thời điểm.
2. Đề xuất thuế theo thời gian nắm giữ: Siết chặt tay chơi ngắn hạn: Thay vì áp dụng mức thuế cố định 2% như hiện hành, dự thảo mới đưa ra cách tính thuế chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ – càng giữ lâu, thuế càng thấp. Cụ thể:
• Dưới 2 năm: 10%
• Từ 2 - 5 năm: 6%
• Từ 5 - 10 năm: 4%
• Trên 10 năm hoặc thừa kế: từ 2% đến 10%
Mức thuế mới cao gấp 2 đến 5 lần hiện tại, đánh trực diện vào các nhà đầu tư ngắn hạn và lướt sóng, những người đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực cầu thị trường. Đây là một bước đi thể hiện rõ mục tiêu "thưởng cho người giữ, phạt người bán nhanh", nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều lo ngại về tính kịp thời và tác động lan tỏa trong bối cảnh thị trường chưa kịp hồi phục.
3. Những tác động tiêu cực có thể nhìn thấy trước
a. Phân khúc đất nền và căn hộ cao cấp chịu ảnh hưởng đầu tiên: các nhà đầu tư thường lướt sóng trong vòng 6-18 tháng để tối đa hóa lợi nhuận. Với mức thuế 10%, biên lợi nhuận sẽ bị bào mòn đáng kể, làm giảm sức hấp dẫn đầu tư, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, thanh khoản thị trường sụt giảm.
b. Thị trường thứ cấp "đóng băng" trước khi phục hồi: trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang phục hồi chậm, việc tăng thuế là một cú “phanh gấp” không đúng thời điểm.
c. Tác động dây chuyền đến nhiều ngành khác; Khi thị trường giao dịch chậm lại, không chỉ doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng mà còn cả các ngành liên quan như xây dựng, vật liệu, nội thất, tài chính ngân hàng (giải ngân chậm, vay ít), môi giới và dịch vụ pháp lý…
Một thị trường lành mạnh không phải là thị trường bị kiểm soát bằng thuế nặng, mà là thị trường có thanh khoản, minh bạch và công bằng cho cả nhà đầu tư và người dân.
Nguồn: Dinh Minh Tuan