Hiện nay pháp luật Việt Nam quy định rằng “Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các khu vực trong dự án phải được đặt tên bằng tiếng Việt; … có nhu cầu đặt tên dự án bằng tiếng nước ngoài thì phải viết tên đầy đủ bằng tiếng Việt trước, viết tiếng nước ngoài sau”. Nhưng nhiều khi, để bán chạy hàng, ngoài cái tên cúng cơm của Dự án ghi trên Quyết định phê duyệt, nhiều Chủ đầu tư đặt thêm “nghệ danh” – tên thường gọi cho con đẻ của mình, từ đây có nhiều câu chuyện thú vị và khôi hài.
Thứ nhất, tên Tây đọc “trẹo cả lưỡi” mới thông.
Mấy chú Shipper méo miệng để hỏi đường còn mấy bác đi bộ vểnh tai dựng đứng một hồi mới nghe ra cái chung cư cần tìm.
Hà Nội có New Horizon City, The Golden Palm, Luxury Park Views.., TP.HCM có Angela Boutique Serviced Residence, Dream Home Luxury Apartment, River Garden Executive Residences, New Generation Apartment, The Era Royal Plaza, Somerset Chancellor Court, XI Riverview Palace, Dream Home Residence... Rồi có lúc ai đó về khoe nhà mới với cô bác dưới quê, mệt bở hơi tai, nhiều khi phải viết ra giấy mà xem xong vẫn lắc hoài!
Thứ hai, Tên Tây không chắc được đã phải là sang
Vì khá nhiều toà nhà tên Tây khi vận hành phát sinh nhiều vấn đề, nhất là với những Chủ đầu tư nội không chuyên nghiệp, có ít dự án chung cư. Cái tên Tây là một chiêu đánh bóng dự án, đẩy giá chung cư lên cao hơn chất lượng thật của nó, khiến nhiều người về ở rồi ôm bực.
Thứ ba, Tên Tây mà chẳng phải là Tây
Có đến phân nửa các dự án chung cư tại Hà Nội hay TP.HCM thời gian gần đây có tên thường gọi không phải tiếng Việt, dẫu rằng đa số người mua (trên 70-80%) là người Việt, và nhiều Chủ đầu tư, các nhà thầu chính tham gia xây dựng đại đa số là trong nước. Mặt khác, khi mà Chính phủ và nhiều ban ngành đơn vị hô hào “Người Việt dùng hàng Việt”, thì việc đề cao tiêu chí “tên Tây” này nghe hơi ngược.
Thứ tư, nhiều cư dân chung cư khấn mỏi mồm vẫn sợ các cụ về nhầm nhà!
Vì không giỏi ngoại ngữ lắm, khấn xong vẫn băn khoăn đọc đúng chưa, biết các cụ tìm được đường hay không?
Thứ năm, có cái tên khi mà cư dân làm thủ tục hành chính phải khai rõ mệt
Nhiều toà chung cư, cái tên để bán hàng “nghệ danh” là ABC nghe cũng ổn, ngắn gọn dễ nhớ, nhưng cái tên khai sinh trong Quyết định duyệt Dự án thì dài ngoằng, chẳng hạn : “căn hộ NNN, toà tháp HH-N, Tổ hợp chung cư - văn phòng kết hợp dịch vụ thương mại XXX…, tổ dân phố số N, phường XXX, quận XXX, TP Hà Nội”.
Hồ sơ ra Giấy sổ đỏ vì vậy phải ghi địa chỉ là tổ hợp “tên theo Quyết định + tên thường gọi, tổ dân phố số N, phường XXX, quận XXX, TP Hà Nội”. Vì Luật nhà ở quy định muốn dùng tên Tây (tên không chính thức của dự án) thì vẫn phải để cái tên khai sinh tiếng Việt chính thức lên trước! Rồi đến lúc khấn vái chẳng biết như nào thì hợp hơn!
Thứ sáu, có những cái tên chỉ toàn số với chữ cái dễ nhầm lẫn
Có lần tôi áy náy vì đã trót chỉ sai đường khi người ta hỏi cái toà N03-T2 ở khu Ngoại giao đoàn Hà Nội, thì tôi nhớ nhầm mà chỉ họ đi sang N02-T3 cũng gần đó. Vài toà có thêm tên Việt thì dễ nhớ hơn, nhưng nhiều shipper với cư dân vẫn hay dùng tên dạng Nox-Tox chắc vì nó ghi trong Giấy căn cước như vậy!
Rồi nhiều khu đô thị của mấy công ty Chủ đầu tư nhà nước toàn “bê” nguyên cái tên viết tắt của Dự án (trên Quyết định/ trên bản vẽ thiết kế), cứ N0x, CTx, NHx, HHx, một số toà chỉ có độc một chữ cái như toà A, toà C… nghĩ cũng buồn cười. Mà từ nguyên gốc “NO1”(Nờ Ơ một) nghĩa là “Nhà ở 1” thì biến hết thành “N01” (Nờ không một) hết thảy. Ngay trong “khu đô thị kiểu mẫu” Linh Đàm, cả rổ các loại Nox, rồi CTx, VPx, TTx, BTx…, gần đó thì một rổ toà HHx của Mường Thanh. Khu Trung Hoà – Nhân Chính chẳng hạn, người lần đầu đi tìm một toà N2E chẳng hạn, có khi phải lượn mất mấy vòng vì một loạt nhà từ N2A tới N2F.
Vui thiệt, nhưng hình như có gì đó hơi bất tiện các bác nhỉ? Nên chăng Nhà nước có một quy định cụ thể hơn cho những cái tên chung cư, vừa hay và ý nghĩa, vừa dễ nhớ thì tốt!
Vũ Thanh Tùng