Đâu đó có thông tin, địa phương thu hồi đất nông nghiệp của người dân đền bù chưa đến 200 triệu một sào 360 mét vuông nhưng bán đấu giá ra thị trường lên tới cả trăm triệu đồng một mét.
Lợi nhuận cao thế không phải do sản xuất kinh doanh, chỉ do tâm lý đầu cơ và sự thay đổi trong quản lý hành chính. Lợi nhuận đó dù nhiều cũng không phải là cách mà một nền kinh tế lành mạnh vận hành, đó cũng không phải là cách mà một nền quản trị hành chính quốc gia lành mạnh hoạt động.
Thực tế những năm qua có biết bao nhiêu khu đất nền do các địa phương bán đấu giá hoặc do doanh nghiệp làm dự án bán ra, người mua xong rồi để cỏ mọc gây lãng phí tài nguyên, bởi người mua để đầu cơ bán kiếm lời chứ không phải do nhu cầu chỗ ở.
Vậy thì cái được của thu ngân sách với cái mất của lãng phí tài nguyên thì cái nào lớn hơn? Cái được của thu ngân sách với cái mất của sự thiếu lành mạnh khi khai thác quyền lực công, cái nào lớn hơn?
Các ban ngành địa phương thay vì chung tay với trung ương kiểm soát phát triển lành mạnh thị trường bất động sản thì lại làm nóng thị trường này, khiến giá cả tăng nóng, như thế có phải trống đánh xuôi kèn thổi ngược?
Năm 2024 Luật đất đai và Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực đã đưa ra nhiều quy định hạn chế dự án đất nền. Cụ thể, Luật Kinh doanh bất động sản quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II, III.
Nhưng quy định này không giới hạn cho trường hợp các địa phương tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.
Bởi thế nên Hà Nội dù thuộc đô thị loại đặc biệt, nhưng các địa phương thời gian qua vẫn tiến hành bán đấu giá đất nền.
Ở đây tồn tại một bất cập, lý do nào đã giới hạn và không cho phép dự án đất nền được triển khai ở những vị trí kia, có phải do đất nền bỏ trống gây ảnh hưởng đến mỹ quan và khiến người dân chứng kiến sự lãng phí tài nguyên gây phản cảm?
Nhưng đất do các địa phương bán đấu giá thì vẫn gặp tình trạng đó, người mua vẫn để đó cho cỏ mọc. Đúng ra, những lý do nào đã đưa dẫn đến nhận thức phải giới hạn dự án đất nền của doanh nghiệp đầu tư bất động sản thì cũng chính lý do đó phải giới hạn việc đất nền được bán ra bởi các địa phương theo hình thức bán đấu giá.
Năm ngoái ở Hà Nội đã có văn bản định hướng các địa phương thay vì đem bán đấu giá đất thì chuyển sang làm dự án xây dựng nhà ở rồi bán, như thế sẽ kiểm soát nhu cầu sử dụng thực của người mua trên thị trường.
Định hướng đúng nhưng triển khai chưa rõ ra sao, trong thời gian sau đó nhiều nơi vẫn tiến hành bán đấu giá, làm giá đất bị thổi lên cao ngất ngưởng.
Thị trường bất động sản là một mảnh ghép của nền kinh tế thị trường, sự phi lý thiếu lành mạnh của thị trường bất động sản sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế, những tích tụ những điều bất hợp lý của bđs sẽ khiến nền kinh tế phải gánh chịu.
Khủng hoảng bđs bên Trung Quốc khiến cho cả nền kinh tế của họ bị trì trệ là một ví dụ. Họ xây thừa mứa những căn hộ không có người ở, thì cũng giống như ở nước ta hiện nay cũng thừa mứa những lô đất nền cỏ mọc.
Luật sư Ngô Ngọc Trai